Trong thời buổi hiện nay, thanh toán tiền mặt trực tiếp đang dần được thay thế bằng hình thức bởi các loại thẻ tín dụng khác nhau. Khi sở hữu thẻ tín dụng, ta sẽ thấy các con số được in trên thẻ, vậy bạn đã biết mã CSC là gì chưa?
Mã CSC được đánh giá là một thông tin cực kỳ quan trọng trên thẻ tín dụng. Vậy mã CSC là gì? Nó có ý nghĩa ra sao mà ta cần phải bảo mật thông tin? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về mã CSC, cách sử dụng cũng như kinh nghiệm bảo vệ trong bài viết dưới đây nhé!
1. Mã CSC (Card Security Code) là gì?
CSC có thể được hiểu một cách đơn giản là 3 chữ cái đứng đầu của cụm từ “Card Security Code“. Mã CSC được các giới chuyên môn gọi là “mã xác minh thẻ“, nó được sử dụng để làm tăng tính bảo mật của thẻ khi sử dụng để thanh toán.
Với mỗi mạng lưới thanh toán khác nhau đều có cách gọi riêng biệt về thuật ngữ này. Ví dụ như với MasterCard sẽ gọi các con số này là “Card Validation Code” (viết tắt là CVC), Visa lại gọi là “Card Verification Value” (viết tắt là CVV), còn với American Express thì đặt tên cho nó là “Card Identification Number” (viết tắt là CID).
Mã CSC là một dãy chữ số, bao gồm từ 3 đến 4 chữ số được in trên mặt trước hoặc mặt sau của thẻ tín dụng. Vị trí in cụ thể của mã CSC trên các loại thẻ sẽ là:
- Nếu bạn đang sở hữu một chiếc thẻ American Express, mã CSC sẽ là một dãy số gồm có 4 chữ số và được in ở mặt trước hoặc sau của thẻ. Nếu như mã số CSC được in trên mặt trước của thẻ thì bạn có thể hiểu rằng nó không phải là một phần của số tài khoản thẻ AmEx mà đang sở hữu.
- Với Visa, MasterCard… mã CSC sẽ thường được in trên mặt sau của thẻ. Bạn sẽ có thể nhìn thấy dãy số này ở trong hoặc ngay sau dải chữ ký và nó thường gồm có 3 chữ số.
1.1. Ý nghĩa của mã CSC
Hiện nay, việc sử dụng dụng thẻ tín dụng để thanh toán cho các giao dịch mua sắm online hoặc trực tiếp đã trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, những giao dịch này phần lớn chỉ yêu cầu người mua hàng nhập thông tin và mã số vào, vì vậy mà người bán hàng sẽ khó có thể xác nhận được giao dịch này có đúng thực sự là chủ thẻ đang thực hiện hay không.
Khi có điều gì đó chẳng may, và thông tin thẻ của bạn bị đánh cắp. Trong trường hợp này, nếu người sử dụng thông tin thẻ không có được mã xác nhận trên thẻ vật lý thì họ sẽ không thể hoàn tất cuộc giao dịch được. Chính vì thế, mã số CSC là công cụ có thể giúp cho chủ tài khoản hạn chế và chống lại một số hành vi gian lận thẻ tín dụng.
Đặc biệt hơn đối với các giao dịch thanh toán online, nếu như chủ thẻ vô tình để lộ thông tin thẻ và mã số CSC trên thẻ thì số tiền trong thẻ sẽ có khả năng không cánh mà bay. Chính vì thế, khi mua sắm trực tuyến, hãy lưu ý rằng chỉ nên nhập thông tin tài khoản cùng với mã CSC lên các trang website uy tín để tránh các trường hợp một số website giả mạo đã được lập ra với mục đích đánh cắp thông tin khách hàng.
2. Cách sử dụng mã CSC để thanh toán online
Khách hàng khi sở hữu thẻ có thể sử dụng mã CSC được in trên thẻ tín dụng của mình để thực hiện các giao dịch thanh toán Online vô cùng đơn giản và nhanh chóng trên những trang thương mại điện tử hay mua sắm trực tuyến.
Đầu tiên, khi đã truy cập vào website mua sắm, bạn hãy lựa chọn các loại hàng hóa và dịch vụ cần dùng rồi chuyển đến phần thanh toán. Nếu như trang website này cho phép thanh toán bằng nhiều hình thức, bạn sẽ click chọn vào mục “Thanh toán qua thẻ tín dụng”.
Sau khi đã chọn phương thức thanh toán, bạn sẽ cần điền đầy đủ các thông tin xác nhận thẻ thanh toán và chủ thẻ. Các thông tin mà khách hàng cần điền cụ thể bao gồm:
- Tên chủ thẻ: Tên chủ thẻ được in nổi, viết hoa không dấu và nằm ở mặt trước của thẻ. Bạn cần phải nhập chính xác tên chủ thẻ viết không dấu.
- Số thẻ: Số thẻ là một dãy số bao gồm 16 hoặc 19 chữ số, số thẻ được in nổi ở mặt trước của thẻ.
- Thời gian có hiệu lực của thẻ: Thời gian có hiệu lực của thẻ được in trên mặt trước của thẻ, ngay bên dưới số thẻ. Thẻ tín dụng sẽ thường có hiệu lực từ 4 đến 5 năm kể từ ngày phát hành thẻ. Có một số loại thẻ tín dụng in thông tin của cả ngày phát hành và ngày thẻ hết hạn. Vì vậy, bạn phải lưu ý thật kỹ để không bị nhầm lẫn giữa 2 mốc thời điểm này.
- Mã CSC: Nhập chính xác mã CSC trên thẻ, đây sẽ là bước cuối cùng để bạn xác nhận thanh toán.
Ngoài ra, với một số trang website sẽ có thêm phần hỗ trợ gửi sms banking có chứa mật khẩu dùng một lần (mã OTP) về số điện thoại hoặc email cá nhân của bạn để xác nhận một lần nữa. Lúc này, bạn sẽ cần điền thông tin OTP trong khoảng thời gian quy định từ 1 đến 3 phút để tiến hành xác nhận. Nếu không điền trong thời gian đó, bạn cần yêu cầu gửi mã OTP mới. Với mã OTP khi đã hết hiệu lực sẽ không được chấp nhận nữa.
Trong trường hợp thông tin bị nhập sai quá nhiều lần và không thể xác minh được giao dịch thanh toán, ngân hàng có thể cho rằng bạn đang bị đánh cắp thông tin và sẽ tạm thời khóa tài khoản thẻ của bạn.
2.1. Điều gì sẽ xảy ra nếu để lộ mã CSC?
Chúng ta không thể phủ nhận được những lợi ích mà thẻ tín dụng và các loại thẻ khác mang lại cho người sử dụng. Tuy nhiên, việc để mất thẻ hoặc để lộ các thông tin trên thẻ lại là nguyên nhân chính dẫn đến việc chủ thẻ dù không thực hiện thanh toán hay quẹt thẻ nhưng vẫn mất tiền triệu.
Theo các cuộc điều tra, hầu như những trường hợp tiêu thụ thẻ đã bị đánh cắp hoặc thông tin thẻ bị đánh cắp đều xảy ra tại các trung tâm mua sắm điện máy, điện thoại.
Đối với quy trình thanh toán tại thời điểm hiện nay nhìn chung còn khá lỏng lẻo. Trên hệ thống thanh toán chỉ yêu cầu khách hàng nhập họ tên, thời hạn hiệu lực của thẻ và mã xác thực CSC. Điều đáng để nói ở đây là toàn bộ các thông tin này đều được in trên mặt trước và mặt sau của thẻ.
Chính vì vậy, dù cho chiếc thẻ vẫn được nằm trong ví nhưng thông tin thẻ bị lộ thì chủ thẻ sẽ vẫn phải chịu thiệt hại tiền triệu từ hành vi gian lận của những kẻ gian.
Khi tiến hành thanh toán, chủ thẻ thường có thái độ chủ quan và giao thẻ trực tiếp cho nhân viên thu ngân quẹt vào qua máy POS. Trong trường hợp này, việc các nhân viên có đánh cắp thông tin của thẻ hay không thì cũng không ai có thể chắc chắn được, vấn đề này sẽ phụ thuộc về đạo đức của mỗi người.
3. Một số lời khuyên về kinh nghiệm bảo vệ mã CSC
Dưới đây là một số lời khuyên về kinh nghiệm để bảo vệ mã số CSC một cách an toàn và bảo mật:
- Hãy tiến hành xóa mã số CSC hoặc làm mờ mã số CSC trên thẻ ngay sau khi được nhận thẻ từ ngân hàng. Bạn chỉ cần đảm bảo rằng mã số từ và thẻ chip không bị trầy xước là được.
- Nên thực hiện các cuộc giao dịch, thanh toán khi mua bán và trao đổi online qua những trang website có giao thức “https://” và được mã hóa bảo mật thông tin (biểu tượng ổ khóa màu xanh trên tên miền website). Trước khi tiến hành giao dịch cũng đừng quên đăng ký dịch vụ Verified by Visa/MasterCard để được nhận mã OTP xác nhận cho 1 lần giao dịch.
- Khi giao dịch trực tiếp, không nên đặt thẻ trong tầm mắt của thu ngân, hoặc để thông tin thẻ quá lộ liễu cho người khác biết.
- Trong trường hợp làm mất thẻ, hãy báo cho ngân hàng để tiến hành khóa tài khoản ngay lập tức.
Lưu ý khi thực hiện giao dịch trực tiếp bằng thẻ ATM tại cây ATM và POS, hãy để ý xem có điều gì bất thường xảy ra không. Điều này là vì những kẻ trộm tiền sẽ có thể đặt thiết bị Skimming (công cụ để quét dữ liệu thẻ) kèm theo thẻ nhớ để ghi lại được dữ liệu thẻ. Cũng có thể đang có camera quan sát đã được đặt ở những nơi mà chúng ta không ngờ tới.
Tóm lại, thẻ tín dụng hiện nay đang là một hình thức thay thế cho việc thanh toán tiền mặt trực tiếp và đang được các ngân hàng khuyến khích sử dụng. Tuy nhiên, khi đã sở hữu thẻ, bạn nên hiểu rõ tầm quan trọng của mã CSC cũng như ý nghĩa của các con số trên thẻ tín dụng ở cả mặt trước và mặt sau. Cũng lưu ý thêm, tuyệt đối không được cho người khác mượn thẻ hoặc chụp ảnh lại thẻ của bạn để đảm bảo an toàn về thông tin khi sử dụng thẻ.
Hy vọng những thông tin trên đã cung cấp cho bạn một cái nhìn toàn diện hơn về mã CSC để tự bảo mật tài chính cho mình và người thân.