Bảo hiểm xe máy lề đường là một thuật ngữ, một hình ảnh không quá xa lạ đối với người dân thủ đô Hà Nội và Tp.HCM. Với quan điểm mua bảo hiểm xe máy chỉ để đối phó với Cảnh sát giao thông (CSGT) đã góp phần làm cho loại hình buôn bán này phát triển hơn nữa.
1. Bảo hiểm xe máy lề đường là gì?
Bảo hiểm xe máy lề đường ám chỉ đến hình ảnh những người bán bảo hiểm dựng những biển quảng cáo quen thuộc như “Bảo hiểm xe máy giá 10.000 đồng 1 năm“, “Bảo hiểm giá rẻ chỉ 20.000 đồng“. Công việc của người đi đường chỉ cần tấp vào, đưa giấy tờ xe là đã có thể mua được. Nhanh gọn hơn thì đọc thông tin về xe, họ tự ghi vào bảo hiểm. Thanh toán và nhận giấy chứng nhận là xong.
Ưu điểm là thế, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số bất cập như người dùng có thật sự mua BH với giá 10.000 đồng không?
2. Cẩn thận coi chừng bảo hiểm giả?
Chỉ có trời mới biết được rằng những bảo hiểm này có thật là của chính công ty phát hành hay không? Vì theo quan điểm của người dân, mua bảo hiểm mục đích là chỉ đối phó với CSGT, chứ không hề mong chờ đến việc bảo hiểm sẽ đền bù cho họ.
Nên chẳng cần phải kiểm tra thông tin về công ty bảo hiểm làm gì. Lợi dụng sơ hở này, nhiều đối tượng sẵn sàng phân phối bảo hiểm giả ra thị trường để lừa cả người mua và người bán.
3. CSGT vẫn phạt khi mua bảo hiểm giá 3.000đ, 20.000 đồng
Bản thân mình cũng đã trải nghiệm mua bảo hiểm lề đường 1 lần. Mặc dù giá để là 10.000 đồng cho 1 bảo hiểm xe máy, thời hạn là 1 năm. Tuy nhiên, 10.000 đồng đó là giá bảo hiểm cho người ngồi trên xe. Đó là bảo hiểm tự nguyện, còn muốn để CSGT không phạt thì bạn phải mua thêm bảo hiểm xe máy bắt buộc với giá 66.000 đồng nữa.
Tổng chi phí khi bạn mua bảo hiểm xe máy lề đường ít nhất cũng từ 66.000 đồng (đã bao gồm VAT) trở lên. Mặc dù giá này không phải bán cao so với quy định, tuy nhiên cảm giác để 10.000 đ mà bán 66.000 đ giống như đang bị lừa vậy. Đừng tự rước cục tức vào người.
4. Tại sao lại bán tràn lan như vậy?
Theo nguyên tắc và quy định hiện hành của Việt Nam, pháp luật Việt Nam không cấm người bán bảo hiểm tiếp thị bảo hiểm theo cách này. Có chăng vi phạm chỉ là lấn chiếm lòng lề đường.
Còn việc cá nhân lên đăng ký làm đại lý với công ty bảo hiểm, sau đó lấy sấp bảo hiểm về bán là hoàn toàn hợp pháp. Theo chúng tôi được biết thì đại lý bảo hiểm xe máy, được công ty bảo hiểm chiết khấu lên đến 50% giá trị của bảo hiểm xe máy. Một phần cũng vì lợi nhuận cao nữa.
5. Có mấy loại bảo hiểm xe máy hiện nay?
Hiện nay, có 2 loại bảo hiểm xe máy trên thị trường:
- Bảo hiểm xe máy bắt buộc: Là loại bảo hiểm theo quy định của Bộ GTVT người điều khiển phương tiện giao thông khi lưu thông trên đường bắt buộc phải mang theo. Nếu không có sẽ bị CSGT phạt. Loại này có giá tầm 60.000 đồng (chưa VAT).
- Bảo hiểm xe máy tự nguyện: Đây là bảo hiểm không bắt buộc chủ phương tiện phải có. Bảo hiểm này để bảo hiểm người ngồi trên xe, mục đích khi xảy ra tai nạn thì người ngồi trên xe nếu bị thương sẽ được bảo hiểm chi trả. Thông thường chi trả tối đa 50 triệu đồng/người. Giá của bảo hiểm này là 10.000 đồng/người. 2 người là 20.000 đồng.
6. Giá bảo hiểm xe máy theo quy định là bao nhiêu?
Theo Thông tư 22/2016 của Bộ tài chính, mức giá cụ thể của bảo hiểm xe máy sẽ được quy định với 3 mức giá như sau:
- Đối với xe máy dưới 50cc: Giá bảo hiểm cho 1 năm là 55.000 đồng.
- Đối với xe máy trên 50cc: Giá bảo hiểm cho 1 năm là 60.000 đồng.
- Đối với xe phân khối lớn: Giá bảo hiểm cho 1 năm là 290.000 đồng.
Mức giá trên chưa bao gồm VAT, tất cả các công ty bảo hiểm trên lãnh thổ Việt Nam đều bắt buộc phải bán mức giá này. Nếu bạn thấy đâu đó giá khác mức này chứng tỏ người bán bảo hiểm đã tự ý cắt hoa hồng của mình để giảm giá thành, hoặc có thể là bảo hiểm giả.