Site icon Hỗ Trợ Vay

NFT là gì? Phân tích rủi ro và cơ hội khi đầu tư tiền vào NFT

NFT là gì mà chỉ trong một thời gian ngắn, nó đã lôi kéo được rất nhiều người tham gia từ những nhà đầu tư trong giới tiền ảo. Cho đến những người có sức ảnh hưởng thế giới như Cá mập Mark Cuban, CEO Twitter Jack Dorsey… cũng bắt đầu kiếm tiền từ xu hướng NFT này.

1. NFT là gì?

NFT là viết tắt của Non fungible Token. NFT là một chuỗi mã hoá sử dụng công nghệ Blockchain để tạo nên tính duy nhất cũng như quyền sở hữu của một loại tài sản nào đó trên môi trường Internet.

Để hiểu rõ hơn về Non Fungilble Token thì các bạn hình dung minh hoạ sau đây: Nếu như tôi cho bạn mượn 1 chỉ Vàng, một thời gian sau bạn trả lại cho tôi 1 chỉ vàng (hoặc cũng có thể là 2 lần 5 phân Vàng). Với tôi, đó là chuyện hết sức bình thường mà không xảy ra vấn đề gì hết.

Còn nếu như tôi cho bạn mượn một bức tranh do chính tôi vẽ bằng Photoshop và nó được xác thực bởi công nghệ NFT, chứng nhận quyền sở hữu của tôi. Một thời gian sau, bạn thuê một người nào đó thiết kế y chang bức tranh đó trả lại cho tôi thì dĩ nhiên tôi sẽ không bao giờ chấp nhận. Bởi vì nó không phải là bức tranh mà tôi cho bạn mượn.

2. Nguồn gốc lịch sử của NFT

Nhìn lại về lịch sử thì thực tế NFT đã bắt đầu xuất hiện vào năm 2012. Khi đó, ông Yoni Assia lần đầu công bố dự án Colored Coin, tận dụng công nghệ Blockchain để chứng thực quyền sở hữu tài sản như phiếu giảm giá, các vật phẩm kỹ thuật số.

Dự án này nhanh chóng thất bại bởi thời điểm đó, người dùng không có niềm tin vào môi trường ảo. Thậm chí lúc đó nhiều người còn chưa nghe đến chữ Bitcoin chứ đừng nói gì đến việc nghiên cứu những công nghệ đằng sau nó.

Năm 2014, Bitcoin bắt đầu hành trình lột xác ngoạn mục với đầy đủ yếu tố Thiên thời – Địa lợi – Nhân hoà. Khi đó, một nền tảng tài chính sử dụng công nghệ Blockchain có tên Counterparty ra đời nhằm giải quyết bài toán dùng tiền ảo để giao dịch mua bán meme Ếch Pepe hiếm.

Tuy nhiên mãi đến năm 2017, khi mà tiêu chuẩn ERC-721 ra đời để hoàn thiện Ethereum. Một trò chơi nuôi mèo ảo online có tên là CryptoKitties áp dụng công nghệ NFT để chứng nhận quyền sở hữu mèo của người chơi. Trong năm đó, Crypto Kitties đã mang về doanh thu 12 triệu USD chỉ bằng ý tưởng đơn giản là nuôi mèo online.

Sau đó, cuối năm 2019 đầu năm 2020 là sự choáng ngợp bởi các giá trị giao dịch cho các vật phẩm được xác thực NFT lên tới hàng triệu USD cho mỗi tài sản ảo như hình con mèo với chiếc bánh Pop-Tart được chứng thực NFT giao dịch với giá 600.000 USD, tác phẩm có tên Everdays: The First 5000 days của Mike Winkelmann được ghép từ 1000 bức ảnh được đấu giá lên đến 69,3 triệu USD hay gần hơn là một dòng Tweet của CEO Twitter Jack Dorsey được xác thực quyền sở hữu được đấu giá lên đến 2,5 triệu USD.

3. Ứng dụng của NFT trong cuộc sống

Nghệ thuật có lẻ là ngành áp dụng thiết thực và mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho người tạo nên tác phẩm nghệ thuật đó. Thử tưởng tượng, một hoạ sĩ vẽ ra một bức tranh trên internet, sau đó chứng thực quyền sở hữu bởi NFT và bán nó cho ai muốn là người sở hữu duy nhất. 

Game là thị trường thứ 2 mà NFT tiến tới để giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng là những vật phẩm trong game bán từ người này sang người kia mà giá trị không thay đổi nhiều, không mang được giá trị vô hình cho người sở hữu nó bởi nó cơ bản cũng là một cái gì đó của nhà phát hành game. Tuy nhiên, nếu như người chơi xác thực được quyền sở hữu những vật phẩm đó thì tạo được yếu tố mong muốn sở hữu.

Ngoài ra, công nghệ NFT còn áp dụng được giới sưu tầm đồ cổ. Kéo người sưu tầm đồ cổ từ truyền thống lên đến môi trường mạng. Xét cho cùng, giá trị của đồ cổ cũng được quyết định bởi yếu tố thời gian. Và NFT sẽ chứng minh được giá trị thời gian của một sản phẩm nào đó bằng một đoạn mã không thể thay thế.

4. Tại sao NFT lại có giá cao ngất ngưỡng?

4.1. Tính độc nhất vô nhị

Rõ ràng, với các sản phẩm đã được mã hoá bằng NFT thì không thể tồn tại hai tác phẩm nghệ thuật giống nhau được. Nếu có tồn tại 2 cái thì chắc chắn sẽ có 1 cái là hàng fake.

Việc người sở hữu tác phẩm đồng thời sỡ hữu luôn một được code được mã hoá để chứng minh sản phẩm của mình là thật. Chính tính độc nhất vô nhị đã đưa giá trị của NFT lên cao.

4.2. Tính khan hiếm của sản phẩm

Người tạo ra sản phẩm để đấu giá sẽ không giám tạo ra nhiều sản phẩm giống nhau, bởi khi đó giá trị của nó sẽ đi xuống nếu số lượng vật phẩm tăng lên. Nguồn cung khan hiếm sẽ kích thích mong muốn được sở hữu của con người trỗi dậy.

Thành thật mà nói là người sở hữu các tác phẩm nghệ thuật hay các vật phẩm trong game hoặc tài sản ảo. Thứ họ cần không phải là được chiêm ngưỡng, không phải được sử dụng mà muốn chứng tỏ bản thân với thế giới rằng: “Tôi đang sở hữu nó.”

4.3. Không thể tách rời

Khác với Bitcoin, bạn có thể chia nhỏ Bitcoin ra thành nhiều phần nhỏ để chuyển người này, người kia. Tuy nhiên, với NFT thì bạn muốn sở hữu thì phải mua toàn phần, chúng không được bán một phần sản phẩm.

Bởi khi đó, NFT đã chứng thực toàn bộ sản phẩm này là của tác giả này, đảm được tính thống nhất của tác phẩm bằng một đoạn mã duy nhất.

5. Phân tích rủi ro và cơ hội với trend NFT

Cái gì cũng thế, đều có 2 mặt của nó là mặt tốt và mặt xấu. Hay nói trong giới đầu tư là cái gì cũng tồn tại rủi ro và cơ hội. Trong rủi ro có tồn tại cơ hội và trong cơ hội cũng có tồn tại rủi ro.

5.1. Rủi ro mất tiền khi đầu tư tiền vào NFT

Bạn còn nhớ các dự án ICO vào năm 2017 không? Các dự án được vẽ ra mới một kế hoạch trong mơ đã hút máu rất nhiều vốn của nhà đầu tư. Sau đó, bong bóng ICO bị vỡ do chúng được kỳ vọng quá cao từ người dùng trong khi để triển khai được dự án là cả một vấn đề.

Việc sở hữu các tài sản ảo chỉ có giá trị khi chúng gây được sử thèm khát của những người khác. Nếu như bạn giữ một cái gì đó mà chẳng ai cần, chẳng ai quan tâm thì giá trị của nó quay về con số 0 tròn trĩnh.

Giá trị của tài sản được chứng thực NFT không phải được định giá dựa trên yếu tố cung – cầu mà dựa trên cảm tính của người bán và người mong muốn được sở hữu.

Tính thanh khoản của NFT rất kém do các tài sản NFT không phải là vật ngang giá như tiền, Vàng, Bitcoin… những thứ mà có bên trung gian đảm bảo cho giá trị của nó. Việc thanh khoản sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc tìm được một người có cùng sở thích, đam mê giống bạn. Tìm được là một chuyện rồi mà người đó có sẵn sàng bỏ ra số tiền để sở hữu nó hay không là câu chuyện khác.

5.2. Cơ hội kiếm được bộn tiền từ NFT

Hãy thử khả năng phân tích và nhận định xem tất cả các sản phẩm NFT có cái nào đang được định giá thấp hơn kỳ vọng của người dùng không. Nếu có hãy bỏ tiền ra để sở hữu nó và bán lại một mức giá cao hơn để kiếm lời.

Còn không thì lên trên thị trường NFT, tạo ra một sản phẩm gì đó và chứng thực NFT quyền sở hữu. Rồi rao bán nó với một mức giá trên trời bạn sẽ kiếm được bộn tiền từ nó. Nói vậy thôi chứ trước khi tạo ra một cái gì đó bạn nên xem xét đến ngách sản phẩm của bạn nhiều người cần đến sản phẩm đó hay không.

6. Các dự án nổi bật đang triển khai với NFT

6.1. CryptoKitties

Thị trường người nuôi mèo ở ngoài đời thật rất nhiều, thậm chí họ chi rất nhiều tiền cho việc nuôi mèo. Do đó, dự án này đã đánh trúng vào tâm lý nuôi mèo online sẽ tiện hơn nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu sở thích nuôi mèo.

6.2. Decentraland

Nếu như CryptoKitties đánh vào người nuôi mèo thì Decentraland kéo người mong muốn đầu tư bất động sản ở cuộc sống thật không đủ điều kiện sở hữu thì có thể chứng thực được quyền sở hữu bất động sản ở trên trò chơi Decentraland này.

Người chơi sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, mua bán giao dịch bất động sản, sử dụng tài nguyên và khai thác nó sao cho hiệu quả nhất.

6.3. Rarible

Rarible được ra mắt vào tháng 1 năm 2020, hoạt động như một sàn thương mại điện tử nơi mà mọi người có thể mua bán, trao đổi các sản phẩm kỹ thuật số, tên miền, meme và metaverses…

Các giao dịch mua bán trên Rarible sẽ được thực hiện bằng Ví Ethereum của người mua và người bán. Có thời điểm, Rarible ghi nhận khối lượng giao dịch khổng lồ lên đến 31.000 ETH tương đương hơn 40 triệu USD.

6.4. SuperRare

SuperRare ra mắt vào năm 2017 giúp các tác giả tạo ra các sản phẩm nghệ thuật có thể chứng thực quyền sở hữu NFT bằng công nghệ ERC-721.

SuperRare sẽ giải quyết được vấn nạn bản quyền, giúp các tác phẩm nghệ thuật có giá trị hơn và bán được nhiều tiền hơn. Đồng nghĩa với việc các tác giả phải trả một phần hoa hồng cho SuperRare.

6.5. Ethereum Name Services

Ra mắt vào năm 2017, dịch vụ tên miền Ethereum đã có được lượng lớn khách hàng có hứng thú với NFT. Bằng chứng là tên miền .ETH đã có hơn 190.000 người đăng ký và chứng thực quyền sở hữu NFT. Để được chứng thực quyền sở hữu NFT thì tên miền phải đat tiêu chuẩn ERC-721.

7. Nhận định chủ quan của tác giả bài viết

Mình biết là cá nhân các bạn cũng từng chứng kiến một người bạn của mình đổi đời mua nhà đổi xe nhờ Bitcoin. Rồi bạn thầm nghĩ là họ may mắn, một số khác thì cho rằng bản thân đã bỏ qua một cơ hội trời cho.

Sau đó, bạn rơi vào trạng thái sợ bỏ qua cơ hội đổi đời nên lao vào tất cả các dự án nào được giới thiệu là kiếm được nhiều tiền.

NFT cũng là một trong những xu hướng như thế, cuộc chơi này không dành cho những người tay mơ và bạn không phải là người kiểm soát thị trường. Hãy tham gia khi bạn đã chấp nhận được thất bại.

Exit mobile version