Ngân hàng số là gì mà thế hệ Gen Z rất thích sử dụng thay vì phải ra ngân hàng để thực hiện giao dịch. Hiện nay, có rất nhiều ngân hàng số có mặt tại Việt Nam nhưng chỉ có khoảng 5 ngân hàng số là mình cảm thấy ưng ý nhất và khuyến khích các bạn nên sử dụng.
Để biết 5 ngân hàng đó là gì, mời bạn đọc bài viết bên dưới.
1. Ngân hàng số là gì?
Ngân hàng số (Digital Banking) là một ứng dụng ngân hàng được chạy trên thiết bị di động có thể đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dùng. Như mở tài khoản online, chuyển tiền, nhận tiền, gửi tiết kiệm, rút tiền tại ATM đều có thể thực hiện ngay trên ngân hàng số mà không cần phải ra ngân hàng.
Ngân hàng số đang dần thay đổi mô hình kinh doanh của khá nhiều ngân hàng. Nếu như trước đây, ngân hàng lấy sản phẩm, dịch vụ làm trọng tâm phát triển thì khi áp dụng công nghệ số. Ngân hàng phải lấy khách hàng làm trọng tâm, trải nghiệm khách hàng là thứ quan trọng nhất của một ngân hàng số.
2. Vì sao Gen Z lại thích sử dụng ngân hàng số?
Thế hệ sử dụng ngân hàng số nhiều nhất là thế hệ Gen Z, tức là thế hệ sinh năm 1995 đến năm 2012 (một số khác cho rằng 1997 – 2015). Dưới đây là những lý do khiến cho ngân hàng số lại thu hút được giới trẻ hiện đại:
2.1. Tiết kiệm chi phí tối đa
Đừng nghĩ rằng người trẻ tiêu tiền phung phí, họ rất biết cách tiêu tiền khi để ý đến từng loại phí nhỏ của ngân hàng. Với ngân hàng số, họ được miễn phí rất nhiều loại phí như phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, phí quản lý tài khoản.
Thay vì phải chịu phí biến động số dư 10.000 đ/tháng qua SMS thì Gen Z lại chọn biến động số dư qua ứng dụng ngân hàng số. Vì điện thoại của thế hệ này lúc nào cũng có kết nối 4G hoặc Wifi.
Thậm chí một số ngân hàng số lại còn miễn cả phí rút tiền mặt tại bất kỳ trụ ATM nào tại Việt Nam, điển hình như ngân hàng số Cake.
2.2. Ở nhà và làm mọi thứ
Tất cả các giao dịch mà một người trẻ cần hầu như ngân hàng số đều đáp ứng được hết.
Nếu cần ở tài khoản ngân hàng, chỉ cần tải app banking về từ CH Play hoặc App Store. Sau đó đăng ký tài khoản và xác thực danh tính bằng công nghệ eKYC được tích hợp bên trong app ngân hàng số là có tài khoản sử dụng được ngay.
Nếu như cần gửi tiết kiệm, Gen Z chỉ cần thao tác chọn mở tài khoản tiết kiệm, sau đó chuyển tiền vào tài khoản đó. Chọn kỳ hạn và lãi suất sẽ được hiển thị một cách đầy đủ. Bấm “Đồng ý” thế là gửi tiết kiệm đã xong.
Chưa hết nhé, nếu như Gen Z cần một chiếc thẻ ATM vật lý thì chỉ cần đồng ý phát hành thẻ, thẻ vật lý được chuyển về tận nhà khách hàng trong 3 – 5 ngày làm việc. Một số khác lại chọn mở thẻ ảo thay vì vật lý như thông thường, vì họ chỉ dùng online.
2.3. Thanh toán mọi hoá đơn tiêu dùng
Tiền điện, tiền nước, tiền wifi, tiền cáp, tiền thuê bao trả sau, nạp card điện thoại… tất cả những cái đó khách hàng đều có thể sử dụng ngân hàng số để thanh toán. Thậm chí, một số ứng dụng ngân hàng số còn chủ động lưu hoá đơn và khi đến kỳ thanh toán sẽ chủ động thông báo cho người dùng.
Chỉ cần một chiếc điện thoại, ngân hàng số và kết nối internet thì người trẻ Gen Z đã làm mọi thứ để giải quyết nhu cầu tài chính của bản thân.
3. So sánh Internet Banking, Mobile Banking và Digital Banking
Có một số thuật ngữ liên quan đến ngân hàng số mà mình muốn làm rõ với các bạn một chút. Hiện nay, trong ngành tài chính ngân hàng cho giao dịch trực tuyến có 3 hình thức: Internet Banking, Mobile Banking và Digital Banking. Mình sẽ phân tích từng sản phẩm một.
3.1. Internet Banking (Ngân hàng điện tử)
Internet Banking là hình thái đầu tiên của việc đưa giao dịch trực tuyến đến với gần người dân hơn. Người dùng chỉ cần có một thiết bị điện tử như laptop, điện thoại, máy tính bảng và có kết nối internet. Họ mở trình duyệt lên và nhập địa chỉ URL của ngân hàng vào, đăng nhập tài khoản và thực hiện chuyển tiền. Đồng thời có thể sử dụng các dịch vụ đơn giản khác trên đó.
Mấu chốt của Internet Banking là sử dụng thông qua trình duyệt trên thiết bị như Chrome, Safari, Internet Explorer…
Hiện nay, hình thức giao dịch này vẫn còn hoạt động một cách bình thường, trải nghiệm người dùng đã tốt hơn xưa rất nhiều rồi. Tuy nhiên, người dùng doanh nghiệp có lẽ sử dụng nhiều hơn so với người dùng cá nhân.
3.2. Mobile Banking (Ngân hàng di động)
Từ khi điện thoại di động bắt đầu phổ biến vào năm 2010, thì các ngân hàng lần lượt ra mắt ứng dụng trên điện thoại, giúp cho thao tác đăng nhập và bắt đầu sử dụng được nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, Mobile Banking giống như việc gói tất cả các tính năng trên web lại thành một ứng dụng cho người dùng tải về. Thậm chí, trước kia các ngân hàng còn cấp tài khoản đăng nhập Mobile Banking và Internet Banking khác nhau, gây khó khăn cho người dùng rất nhiều.
Để sử dụng được Mobile Banking bắt buộc người dùng phải ra ngân hàng đăng ký tài khoản, thông tin cá nhân và định danh rồi mới có thể sử dụng được.
3.3. Digital Banking (Ngân hàng số)
Về sau, các ngân hàng bắt đầu nhận thức được sự bùng nổ của thiết bị di động và hệ sinh thái xoay quanh nó. Nên dần chuyển đổi từ Mobile Banking sang Digital Banking. Có thể nói Digital Banking là một phiên bản nâng cấp của Mobile Banking trước đó.
Với Ngân hàng số (Digital Banking) thì khách hàng có thể làm mọi thứ với nó như mình có để cập ở trên. Tuy nhiên, lại có 2 hình thái của Digital Banking nữa.
- Ngân hàng số do ngân hàng truyền thống phát hành: Là ứng dụng chính chủ của ngân hàng, tận dụng 100% nguồn lực tự có của ngân hàng để phát triển.
- Ngân hàng số do bên thứ ba kết hợp với ngân hàng truyền thống: Một số đối tác công nghệ fintech, có sẵn nguồn lực về công nghệ, marketing. Sau đó, các fintech này kết hợp với một ngân hàng nào đó để tận dụng nền tảng tài chính đó để làm ra ứng dụng ngân hàng số.
4. Top 4 ngân hàng số nổi bật của bên thứ ba
4.1. Cake by VPBank
Cake là một ngân hàng số chỉ mới sinh sau đẻ muộn sau này nhưng đã xây dựng được cộng đồng người sử dụng rất lớn. Với Cake, mọi thứ trở nên đơn giản mà lại cá nhân hoá rất lớn.
Bên cạnh việc miễn phí tất cả các loại phí như miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng, miễn phí rút tiền tại bất kỳ ATM nào thì Cake cho phép người dùng chọn lựa màu sắc yêu thích khi phát hành thẻ vật lý. Thế hện Gen Z rất thích điều này. Đặc biệt là tính năng Super Saver hưởng lãi suất 3,6%/năm cho tiền trong tài khoản của bạn.
4.2. Timo
Timo có lẻ là ngân hàng số của bên thứ 3 đặt viên gạch đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2016, ngân hàng số Timo kết hợp cùng với VPBank để triển khai tại thị trường Việt Nam. Lúc đó đã thu hút được rất nhiều người dùng vì nó miễn phí. Sử dụng tài khoản ngân hàng mà được miễn phí được coi là thứ xa xỉ phẩm thời điểm đầu năm 2016.
Sau đó, vì một lý do nào đó mà Timo và VPBank không còn hợp tác với nhau nữa. Đối tác ngân hàng tiếp theo của Timo là Ngân hàng Bản Việt. Tuy nhiên, về mặt nền tảng và trải nghiệm người dùng Timo vẫn làm rất tốt đến thời điểm hiện tại.
4.3. TNEX by MSB
Sinh sau đẻ muộn nhưng tham vọng của TNEX rất lớn, lớn hơn bất kỳ đàn anh nào trong thị trường ngân hàng số. Ngoài việc muốn xây dựng nên một ứng dụng ngân hàng số đơn thuần. TNEX còn mong muốn xây dựng nên một hệ sinh thái thương mại điện tử xoay quanh TNEX. Cụ thể cho phép người dùng có thể tạo tài khoản và bán hàng hoá trên nền tảng này.
Đương nhiên là các vấn đề cơ bản như chuyển tiền, quản lý tài khoản vẫn được miễn phí như những ngân hàng số khác.
4.4. Ubank by VPBank
Một ngân hàng số non trẻ nữa tại thị trường Việt Nam là Ubank. Một trong những ưu điểm nổi bật của Ubank là ngân hàng này miễn đến 4 loại phí. Bao gồm phí chuyển khoản, phí nạp tiền, phí quản lý và phí xử lý hồ sơ vay.
Lý do có phần phí hồ sơ vay là nếu khách hàng đăng ký Ubank làm tài khoản nhận lương thì Ubank sẽ dựa vào đó cấp cho bạn khoản vay lên đến 6 lần thu nhập.
Ngoài ra, ngân hàng số Ubank còn có tính năng gửi tiết kiệm không kỳ hạn lãi suất 3,6% giống như ngân hàng số Cake vậy.
4.5. Yolo by VPBank
Ngân hàng số Yolo by VPBank đã chính thức đổi tên sang sử dụng Cake by VPBank như thông báo trên website của Yolo ngày 12/01/2021.
5. Top 5 ngân hàng số nổi bật của ngân hàng truyền thống
5.1. VCB Digibank
Người đứng đầu trong danh sách này không ai khác đó chính là VCB Digibank. Mặc dù trước đó ông lớn này có vẻ chậm chân hơn so với các đối thủ. Nhưng sau đợt thay đổi diện mạo hoàn toàn sang ngân hàng số VCB Digibank thì mọi thứ đã cải thiện đáng kể.
Đáng chú ý là ngân hàng số của VCB Digibank đã cho phép khách hàng đăng ký gói dịch vụ để được ưu đãi các loại phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống rồi.
Các gói dịch vụ như Eco, Plus, Pro tương ứng với số tiền mỗi tháng là 15k, 25k, 30k. Tuy nhiên, bạn sẽ được miễn phí nếu như đáp ứng số dư bình quân lần lượt là 2 triệu, 4 triệu, 6 triệu.
5.2. MyVIB
Nếu xét về trải nghiệm người dùng thì mình đánh giá MyVIB của Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) làm rất tốt. Trải nghiệm người dùng nhanh chóng, đơn giản và mượt mà.
Không những thế, trình quản lý thẻ và tài khoản của MyVIB rất mạnh mẽ. Cho phép quản lý lịch sử giao dịch một cách trực quan. Nếu bạn có thẻ tín dụng của VIB nữa thì có thể đổi quà, xem sao kê đầy đủ trên ngân hàng số MyVIB.
5.3. TPBank
TPBank tiếp cận thị trường theo cách rất khác, thay vì chuyển mô hình ngân hàng số lên online thì TPBank quyết định chuyển mô hình sang Phòng giao dịch Livebank 24/7 không nhân viên.
Tuy nhiên, cả điểm giao dịch Livebank và ứng dụng TPBank Mobile đều cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán online thông qua công nghệ eKYC. Đặc biệt TPBank đang có gói tài khoản Super Zero miễn phí trọn đời chuyển tiền liên ngân hàng.
5.4. VPBank NEO
Tháng 8 vừa rồi, VPBank đã quyết định đồng nhất tất cả các kênh giao dịch như Internet Banking, Mobile Banking về mặt giao diện cho thân thiện với app ngân hàng số VPBank NEO.
Mặc dù là ngân hàng số của ngân hàng truyền thống nhưng VPBank đã mạnh dạng miễn phí các loại phí chuyển tiền trong và ngoài ngân hàng. Đồng thời còn miễn luôn phí rút tiền mặt tại bất kỳ trụ ATM nào trên toàn quốc.
Mọi người hay có cái nhìn về VPBank không tốt chứ riêng cá nhân mình, mình thấy trải nghiệm của VPBank NEO rất thú vị lại còn miễn phí nữa.
5.5. F@st Mobile
F@st Mobile là ứng dụng ngân hàng số của Techcombank. Chính Techcombank là ngân hàng tiên phong trong việc miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng tại Việt Nam.
Mặc dù ứng dụng này hay yêu cầu người dùng đổi mật khẩu mỗi 30 ngày gây ra một số phiền toái nhất định. Còn lại đều có trải nghiệm tốt như cho phép mở tài khoản online, giao diện ứng dụng đơn giản và dễ sử dụng.
6. Những lưu ý khi sử dụng ngân hàng số
- Chủ động bảo vệ thông tin cá nhân, tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng.
- Không nên mở quá nhiều ngân hàng số cùng lúc vì nó sẽ làm bạn dễ quên mật khẩu và bạn cũng không nên nên mở quá nhiều để làm gì. Chỉ cần 1 ngân hàng số là đủ rồi.
- Không cho người khác mượn điện thoại khi chưa cài các cấp độ bảo mật nâng cao cho các ứng dụng ngân hàng số hoặc bất kỳ app tài chính nào khác.
- Một số tổ chức nước ngoài đang mạo danh là ngân hàng số của Việt Nam. Trước khi mở một tài khoản ngân hàng số nào nằm ngoài danh sách bên trên hãy tìm hiểu thật kỹ về nguồn gốc của ứng dụng đó. Tránh tiền mất tật mang.
7. Hàng nghìn nhân viên ngân hàng sẽ mất việc vì ngân hàng số
Sự phát triển của ngân hàng số đã làm dấy lên những mối lo ngại về tình trạng việc làm tại các ngân hàng. Ngân hàng là một trong những ngành có số lượng nhân sự rất đông để đáp ứng nhu cầu dịch vụ từ phía khách hàng.
Tuy nhiên, từ khi có ngân hàng số ra đời thì các dịch vụ cơ bản ứng dụng ngân hàng số đã thay nhân viên ngân hàng làm được rồi. Trong tương lai, chắc chắn công nghệ phát triển thì ngân hàng số sẽ làm được nhiều việc hơn thế nữa. Ví dụ như một số ngân hàng đang rục rịch tích hợp công nghệ chấm điểm tín dụng Trusting Social để cung cấp khoản vay tín chấp cho khách hàng.
Việc số lượng nhân sự ngành ngân hàng giảm xuống là điều chắc chắn xảy ra trong tương lai. Thậm chí là tương lai gần.
8. Chỉ 8% ngân hàng số trên thế giới có lợi nhuận
Nhiều người thắc mắc tại sao ngân hàng số lại miễn phí nhiều loại dịch vụ đến như vậy. Ngân hàng số họ có lời không khi mạo hiểm cho các chiến dịch truyền thông như thế?
Rõ ràng, không chỉ riêng gì tại Việt Nam mà ngân hàng số trên thế giới cũng đang gồng lỗ để thu hút người dùng sử dụng nền tảng của mình. Trên thế giới hiện tại có 249 ngân hàng số đang hoạt động, chỉ có 13 ngân hàng đạt đến điểm hoà vốn. Và 10 trong số đó đến từ các quốc gia ở Châu Á Thái Bình Dương.
Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ là điểm đến tiếp cho các ứng dụng ngân hàng số. Sắp tới chúng ta sẽ còn chứng kiến thêm nhiều ngân hàng số nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam nữa. Chứ không chỉ dừng lại ở vài ngân hàng số đếm trên đầu ngón tay như hiện tại.
Mong là sao bài viết này, các bạn hiểu được ngân hàng số là gì, toàn cảnh tổng quan về thị trường ngân hàng số tại Việt Nam. Đồng thời lựa chọn được một ngân hàng số phù hợp với bản thân.