Thấu chi là gì? Làm sao để được vay thấu chi của ngân hàng?

Thấu chi là gì? Làm sao để được vay thấu chi của ngân hàng?

Không phải chỉ riêng gì bạn mà ngoài kia còn nhiều người vẫn chưa biết thấu chi là gì? Nếu như bạn là một người có lịch sử dụng tín dụng tốt, đôi lúc cần tiền cấp bách thì việc mở tài khoản thấu chi là một quyết định sáng suốt thay vì phải ngửa tay đi mượn bạn bè.

Bài viết này MoneyHub sẽ nói tất tần tật về thấu chi là gì và làm sao để có thể vay thấu chi tại các ngân hàng uy tín tại Việt Nam.

1. Thấu chi là gì?

Thấu chi là một hạn mức tín dụng được cấp dành riêng cho bạn có thể sử dụng phòng khi cấp bách. Cho phép bạn có thể chi tiêu vượt số tiền đang có trong tài khoản thanh toán của bạn. Trong tiếng Anh thấu chi được gọi là Overdraft.

Ví dụ: Bạn được cấp một tài khoản thấu chi tại ngân hàng Techcombank là 20 triệu đồng, trong tài khoản thanh toán của bạn có 8 triệu đồng nữa. Điều này đồng nghĩa rằng bạn có thể chi tiêu số tiền tối đa là 28 triệu đồng mặc dù trong tài khoản của bạn chỉ có 8 triệu thôi.

Đương nhiên là bạn không phải dùng hết 20 triệu đó, bạn được quyền sử dụng một phần của 20 triệu. Bao nhiêu cũng được, miễn trong giới hạn hạn mức thấu chi được cấp của bạn. Và bạn chỉ chịu lãi suất khi bạn chi tiêu, nếu không sử dụng thì không cần phải trả lãi cho ngân hàng.

thau-chi-la-gi-1024x576

2. Ưu và nhược điểm của cho vay thấu chi

2.1. Ưu điểm

  • Có sẵn hạn mức tín chấp để phòng khi cần sử dụng đến. Khi cần chỉ cần chuyển tiền đi là xong.
  • Có thể thực hiện chuyển khoản qua người khác mà không cần phải lách luật rút tiền mặt như thẻ tín dụng thông qua máy POS.
  • Lãi suất thấp hơn khi bạn đi vay xã hội đen rất nhiều.
  • Không dùng thì không cần phải trả lãi. Chỉ trả lãi trên khoản tiền đã chi tiêu chứ không phải toàn bộ hạn mức thấu chi được cấp.
  • Được cấp bởi các ngân hàng uy tín nên thông tin được bảo mật cao, phí và lãi suất cũng rõ ràng.

2.2. Nhược điểm

  • Không phải ai cũng có thể được cấp thấu chi, ngân hàng chỉ cấp thấu chi cho những ai có lịch sử tín dụng tốt mà thôi.
  • Khi mở thấu chi cần phải bổ sung hồ sơ như đi vay vốn bình thường. Cần phải cung cấp giấy tờ chứng minh thu nhập, giấy tờ cư trú và giấy tờ tuỳ thân của bạn.
  • Hạn mức thấu chi thấp hơn so với khi bạn đi vay tín chấp. Nếu như tín chấp bạn có thể vay được 10 – 18 lần thu nhập của bạn thì thấu chi chỉ cấp tối đa được 5 lần thu nhập của bạn mà thôi.
  • Lãi suất sẽ cao hơn so với lãi suất cho vay thế chấp và vay tín chấp thông thường.

3. Có những hình thức cho vay thấu chi nào?

Hiện nay có 2 hình thức vay thấu chi rất phổ biến là vay thấu chi không có tài sản đảm bảo (TSĐB) và vay thấu chi có TSĐB:

  • Vay thấu chi tín chấp, không có tài sản đảm bảo là khoản thấu chi được cấp dựa trên lịch sử tín dụng của bạn, dựa trên lịch sử giao dịch trên tài khoản thanh toán hoặc có thể được cấp dựa trên giấy tờ chứng minh thu nhập của bạn.
  • Vay thấu chi có TSĐB là hình thức vay dựa trên thế chấp tài sản của bạn. Tài sản đó có thể là bất động sản, ô tô, sổ tiết kiệm hoặc bất kỳ giấy tờ có giá nào khác.

Nếu xét về mức độ phổ biến thì mở thấu chi tín chấp không có tài sản là hình thức được nhiều khách hàng lựa chọn nhất. Đặc biệt là những người trẻ cần các khoản tiền dự phòng khi thật sự cần thiết.

Nếu xét về mức độ dễ mở thấu chi thì mở thấu chi dựa trên thế chấp sổ tiết kiệm là đơn giản và nhanh nhất. Người dùng có thể thao tác mở thấu chi online ngay trên ứng dụng ngân hàng mà không cần phải ra ngân hàng làm thủ tục.

4. Lãi suất của vay thấu chi được tính như thế nào?

lai-suat-thau-chi-1024x577

Như mình có nói ở trên, bạn chỉ chịu lãi suất khi bạn sử dụng tiền trong tài khoản thấu chi. Khi đã trả vào gốc và lãi rồi không cần dùng đến nữa thì không cần phải chịu lãi suất. Lãi suất thấu chi được tín dựa trên số tiền và số ngày thực tế mà bạn đã sử dụng.

Ví dụ 1: Bạn được cấp tài khoản thấu chi là 30 triệu, lãi suất cho khoản thấu chi này là 18%/năm. Nhà bạn đang có việc và bạn đã rút hết 30 triệu đó và sử dụng trong 20 ngày. Vậy bạn phải trả lãi bao nhiêu cho ngân hàng khi bạn sử dụng như trên?

=> Trả lời: Lãi suất = (30 triệu x 20 ngày x 18%) / 360 ngày = 300 nghìn đồng.

Ví dụ 2: Bạn được cấp tài khoản thấu chi là 30 triệu đồng, lãi suất cho khoản thấu chi này là 18%/năm. Nhà bạn có việc và bạn đã rút 10 triệu ra để dùng. Bạn dự tính sẽ dùng nó sau 20 ngày sẽ hoàn trả lại. Vậy bạn phải trả lãi là bao nhiêu?

=> Trả lời: Lãi suất = (10 triệu x 20 ngày x 18%) / 360 ngày = 100 nghìn đồng.

Ví dụ 3: Bạn được cấp tài khoản thấu chi là 30 triệu đồng, lãi suất cho khoản thấu chi này là 18%/năm. Nhà bạn có việc và bạn phải rút ra 10 triệu vào ngày 01/09/2021 để chi tiêu. Sau đó, nhà bạn lại có việc và bạn rút thêm 8 triệu nữa vào ngày 15/09/2021. Hỏi đến ngày 30/09/2021 thì bạn phải trả mức lãi suất là bao nhiêu?

=> Trả lời: Lãi suất = (10 triệu x 30 ngày x 18%)/360 ngày + (8 triệu x 15 ngày x 18%)/360 ngày = 210 nghìn đồng

5. Hạn mức được cấp thấu chi là bao nhiêu?

Thông thường, nếu như bạn mở thấu chi tín chấp dựa trên chứng minh thu nhập không có tài sản đảm bảo thì hạn mức được cấp từ 3 – 5 lần thu nhập của bạn. Tuy nhiên, ngân hàng trước khi cấp thấu chi cho bạn cần phải xem xét bạn đã vay tín chấp ở đâu chưa, thẻ tín dụng như thế nào rồi. Dựa vào các dữ liệu đó nữa để cấp hạn mức thấu chi cho bạn.

Còn trường hợp bạn cấp thấu chi dựa trên sổ tiết kiệm thì hạn mức thấu chi có thể từ 90% – 95% sổ tiết kiệm của bạn. Ví dụ như bạn có sổ tiết kiệm 500 triệu ở ngân hàng VPBank, thì bạn có thể lên app VPBank Neo để mở thấu chi lên đến 450 triệu.

Trường hợp bạn mở thấu chi dựa trên thế chấp bất động sản thì hạn mức thấu chi được cấp sẽ rơi vào khoản 70% giá trị định giá của bất động sản đó.

6. Phương thức trả gốc của thấu chi như thế nào?

Bạn không nhất thiết phải hoàn trả gốc đã sử dụng vào mỗi tháng. Mỗi tháng bạn chỉ cần trả lãi cho khoản thấu chi đã sử dụng mà thôi.

Thấu chi khi được cấp sẽ có thời hạn đáo hạn thấu chi, thông thường sẽ là 12 tháng. Tức là trong vòng 12 tháng đó, anh muốn dùng bao nhiêu thì dùng, miễn trong hạn mức được cấp. Có thể trả vào rồi rút ra bao nhiêu lần cũng được. Mỗi tháng a chỉ cần trả lãi cho ngân hàng là được rồi. Nhưng bắt buộc đến ngày cuối cùng của kỳ hạn 12 tháng thì anh phải hoàn trả cả gốc và lãi lại cho ngân hàng.

Nếu trong quá trình sử dụng bạn trả tốt và không bị trễ hạn thì ngân hàng sẽ xem xét cấp thêm cho bạn một khoản thấu chi mới có thời hạn tương tự.

7. Điều kiện và thủ tục để được vay thấu chi là gì?

dieu-kien-mo-thau-chi-la-gi-1024x577

Trong phần này, MoneyHub chỉ nói đến mở thấu chi tín chấp bằng giấy tờ chứng minh thu nhập thôi. Vì những hình thức cấp thấu chi khác không cần khách hàng cung cấp quá nhiều giấy tờ.

7.1. Điều kiện để mở thấu chi

  • Cá nhân từ 20 tuổi trở lên. Tại thời điểm đáo hạn thấu chi không được vượt quá 60 tuổi.
  • Có công việc làm ổn định, có thu nhập mỗi tháng.
  • Lịch sử dụng tốt, không có nợ xấu trong 2 năm gần nhất.
  • Đang sinh sống tại tỉnh/thành phố của ngân hàng cấp thấu chi.

7.2. Thủ tục hồ sơ để mở thấu chi

  • CMND/CCCD/Passport còn hiệu lực do Việt Nam cấp.
  • Sổ hộ khẩu/Sổ tạm trú hoặc các giấy tờ chứng minh nơi cư trú tương đương.
  • Hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng hoặc vô thời hạn.
  • Sao kê tài khoản ngân hàng hoặc giấy tờ chứng minh thu nhập tương đương.
  • Đơn yêu cầu mở tài khoản thấu chi do ngân hàng cung cấp.
  • Mở tài khoản ngân hàng trong trường hợp chưa có tài khoản.

8. Những ngân hàng đang cho vay thấu chi tại Việt Nam

Hiện nay có rất nhiều ngân hàng đang cung cấp dịch vụ mở tài khoản thấu chi cho khách hàng. Mỗi ngân hàng sẽ có một mức lãi suất và hạn mức thấu chi được cấp khác nhau. Bạn có thể theo dõi bảng số liệu mà MoneyHub thống kê lại được dưới đây:

Ngân hàng Hạn mức Lãi suất (năm) Thời hạn
Techcombank 200 triệu 13,78% 12 tháng
TPBank 100 triệu 10,8% 12 tháng
BIDV 100 triệu 11,9% 12 tháng
ACB 100 triệu 22% 12 tháng
Đông Á 50 triệu 9% 12 tháng
VPBank 100 triệu 24% 12 tháng
MSB 300 triệu 16,5% 12 tháng

9. Sự khác nhau của vay thấu chi và thẻ tín dụng

Mặc dù thẻ tín dụng và thấu chi đều có chung đặc điểm là chi tiêu trước, trả tiền sau nhưng vẫn có một vài điểm khác biệt. Cụ thể như:

Thấu chi Thẻ tín dụng
Có thể chuyển khoản cho người khác Không thể chuyển khoản cho người khác
Thời hạn tối đa 12 tháng Thời hạn 3 – 5 năm
Không thể quẹt mua sắm tại POS Có thể quẹt mua sắm tại máy POS
Không có thời gian miễn lãi Thời gian miễn lãi 45 – 55 ngày
Không tích điểm đổi tiền khi sử dụng Có thể tích luỹ đổi tiền khi sử dụng
Không thể mua hàng trả góp 0% Có thể mua hàng trả góp 0%
Chỉ cần trả lãi mỗi tháng Trả tối thiểu 5% gốc + lãi mỗi tháng

10. Có nên vay thấu chi không?

Tuỳ vào nhu cầu của bạn mà bạn có nên mở thấu chi hay là không. Nếu như bạn là một người chưa có cho mình khoản tiền dự phòng khi cấp bách thì có thể đề nghị ngân hàng mở cho bạn một khoản thấu chi để dự phòng cho bản thân.

Trong trường hợp bạn tin tưởng rằng bạn bè của bạn sẵn sàng cho bạn mượn khi cần thiết thì không cần mở thấu chi lãi suất thấu chi cũng thuộc dạng cao chứ không phải thấp.

11. Câu hỏi thường gặp

1. Vay thấu chi là gì?

Thấu chi là một hạn mức tín dụng được cấp dành riêng cho bạn có thể sử dụng phòng khi cấp bách. Cho phép bạn có thể chi tiêu vượt số tiền đang có trong tài khoản thanh toán của bạn. Trong tiếng Anh thấu chi được gọi là Overdraft.

2. Tài khoản thấu chi là gì?

Tài khoản thấu chi là tài khoản được cấp dựa trên vay thấu chi, tài khoản này sẽ để tiền thấu chi của bạn trong này. Khi cần chuyển đi có thể chuyển và là nơi để bạn thanh toán tiền vào.

3. Tài khoản thấu chi có chuyển khoản được không?

Được. Bạn có thể chuyển thấu chi đi cho người khác, nhưng không được chuyển sang tài khoản cá nhân của bạn.

4. Nợ quá hạn thấu chi có bị cho vào danh sách nợ xấu không?

Có. Nợ thấu chi vẫn được tính là một khoản vay tín chấp ngắn hạn bình thường và có thể hiện trên CIC. Nếu mình nhớ không lầm thì nợ thấu chi được hạch toán trong nợ ngắn hạn khác trên CIC.

5. Vay thấu chi có cần thế chấp tài sản không?

Không cần thiết phải có thế chấp tài sản. Bạn có thể mở dựa trên chứng minh thu nhập hoặc dưa trên lịch sử dụng của bạn vẫn được.

6. Thấu chi tiếng Anh là gì?

Thấu chi tiếng Anh là Overdraft.

Share this post