12 chiêu trò lừa đảo tài khoản ngân hàng
Đáng lẽ ra mình đã bỏ qua bài viết tổng hợp các hình thức lừa đảo tài khoản ngân hàng này rồi. Vì mình nghĩ thời đại nào rồi mà còn bị lừa đảo ngân hàng này nữa. Nhưng hôm nay vô tình lướt Facebook và thấy vô vàng những lời ca thán của những nạn nhân bị lừa đảo.
Phần lớn những nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo ngân hàng này đều là những người già hoặc những người ít tiếp xúc với các thông tin ngân hàng. Đặc biệt là chiêu trò #4 đã lừa được rất là nhiều người.
1. Nhận tiền từ nước ngoài gửi về
Đặc điểm nhận dạng: “Có một số tiền từ nước ngoài gửi về cho bạn và họ cần bạn hỗ trợ để làm thủ tục nhận tiền”.
Loại lừa đảo này chúng thường sẽ gửi mail hoặc trực tiếp gọi điện thoại cho bạn luôn, nói rằng có ai đó là người thân của bạn đã gửi một số tiền về cho bạn. Tiền đã về tới ngân hàng ở Việt Nam và yêu cầu bạn hỗ trợ để làm thủ tục nhận tiền.
Đối tượng nhắm đến:
- Đang có nhắn tin qua lại với anh Tây, chị Tây nào đó.
- Thường xuyên ra ngân hàng nhận tiền kiều hối.
- Có giao dịch mua bán xuyên biên giới.
Phương thức lừa đảo:
- Yêu cầu bạn chuyển một số tiền để đóng phí chuyển đổi ngoại tệ. Và đưa cho bạn một số tài khoản nào đó, yêu cầu bạn chuyển tiền vào đó rồi sau đó có thể ra ngân hàng nhận được tiền.
- Yêu cầu bạn đăng nhập đường link đăng nhập nhận tiền. Nhưng thực chất đây là đường link bạn thực hiện lệnh chuyển tiền đi. Các đường link này sẽ có chữ Western Union, Weebly… Chúng sẽ rút toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng của bạn đấy.
Nên làm như thế nào?
Không có bữa ăn nào miễn phí đâu, không dưng ai người lạ lại chuyển tiền cho bạn đâu. Nếu muốn nhận tiền hãy ra trực tiếp ngân hàng làm thủ tục.
2. Trúng thưởng
Đặc điểm nhận dạng: “Chúc mừng quý khách đã may mắn nằm trong 1.000 người may mắn trúng thưởng chiếc xe máy SH 125i. Đây là chương trình của công ty XYZ….”
Chúng sẽ dùng số điện thoại bàn gọi cho bạn, nói rằng đến từ công ty nào đó và chúc mừng bạn đã trúng thưởng. Và hướng dẫn các bạn làm thủ tục nhận thưởng. Chúng chỉ lừa bạn vài triệu đồng chứ không nhiều, nhưng sẽ là số tiền lớn nếu là người ở tỉnh.
Đối tượng nhắm đến:
- Những người ở vùng quê, nông thôn.
- Những người thường xuyên mua hàng online.
- Người có độ tuổi trung niên trở lên.
Phương thức lừa đảo:
- Để nhận được giải thưởng này, yêu cầu bạn đóng phí 2 – 3 triệu để làm thủ tục vận chuyển giải thưởng về cho bạn.
- Hoặc yêu cầu bạn đóng phí trước bạ để hoàn tất thủ tục đăng ký giấy tờ xe.
- Nói chung là nhiều câu nói đều cố gắng moi móc tiền của bạn.
Nên làm như thế nào?
Không có một nhãn hàng nào gửi quà trúng thưởng cho khách hàng mà yêu cầu đóng phí vài triệu để nhận giải cả. Với lại nếu những chương trình trúng thưởng mà bạn không tham gia thì nên cân nhắc lại, có thể là lừa đảo tài khoản ngân hàng của bạn đó.
3. Mạo danh bạn bè, người thân nhờ chuyển tiền
Đặc điểm nhận dạng: “Ê mày, có tiền trong tài khoản đó không, tao đang cần mua món hàng này mày gửi thanh toán giúp tao. Mai tao đưa tiền mặt lại hoặc ra ngân hàng chuyển khoản lại cho.”
Đây là hình thức lừa đảo không mới, xưa lắc rồi nhưng vẫn hiệu quả với những mối quan hệ là bạn bè thân thiết. Không nghe điện thoại được, chúng chỉ nhắn tin thôi.
Đối tượng nhắm đến:
- Thường xuyên chat chít với bạn bè qua mạng xã hội.
- Phần lớn là những người trẻ tuổi và có sử dụng chuyển khoản ngân hàng.
Phương thức lừa đảo:
- Đầu tiên phải hack được tài khoản bạn bè, người thân của bạn bè. Xem trong các tin nhắn xem ai là người thân nhất. Chúng sẽ đọc hết tất cả cuộc nói chuyện và nắm được mối quan hệ và cách xưng hô. Và nhắn tin mượn tiền bạn như đúng rồi để mua hàng.
- Hoặc thanh toán cho người nào đó để trả nợ, mai chuyển lại cho. Thông thường thì chúng chỉ mượn 5 – 10 triệu thôi.
Nên làm như thế nào?
Hãy bắt máy lên và gọi điện thoại cho bạn của bạn, nếu cần thiết phải Video Call luôn. Tuyệt đối, cho người nào mượn thì chuyển tiền vào tài khoản chính chủ người mượn, không có vụ chuyển hộ.
4. Được duyệt hồ sơ vay vốn
Đặc điểm nhận dạng: “Bạn đã được duyệt hồ sơ vay vốn, bạn vui lòng đóng phí bảo hiểm khoản vay để ngân hàng có thể giải ngân tiền cho bạn.”
Để tạo lòng tin, chúng sẽ tạo một profile ảo trên mạng xã hội giống như là một nhân viên ngân hàng thực thụ. Để tăng độ uy tín, chúng còn soạn cả một hợp đồng tín dụng có tên khách hàng đàng hoàng luôn.
Đối tượng nhắm đến:
- Những người đang cần tiền, cần vay ngân hàng.
- Nhừng người muốn vay tiền theo hình thức không cần chứng minh thu nhập.
- Nạn nhân là người trong các group vay vốn ngân hàng.
Phương thức lừa đảo:
- Thu thập hồ sơ online, sau đó chụp hình văn bản đồng ý cho vay. Yêu cầu bạn chuyển tiền đến tài khoản này để đóng phí bảo hiểm hoặc phí bôi trơn hồ sơ để nhanh được duyệt.
Nên làm như thế nào?
Muốn vay thì hãy ra ngân hàng làm việc trực tiếp với nhân viên ngân hàng. Tuyệt đối không có chuyện không gặp rồi làm hồ sơ xong yêu cầu bạn đóng phí trước đâu.
5. Có dính líu đến đường dây tội phạm
Đặc điểm nhận dạng: “Chúng tôi gọi đến từ tổ công tác điều tra, nghi ngờ anh chị có liên quan đến một đường dây tội phạm. Yêu cầu anh chị gửi thông tin để kiểm tra để chứng minh mình trong sạch.”
Chuyện nghe tưởng hư cấu vậy nhưng vẫn có nhiều người tin đó các bạn. Nghe đến công an ai cũng sợ mà luôn tìm cách để chứng minh mình trong sạch. Nên lúc đó “công an” nói gì cũng nghe theo hết.
Đối tượng nhắm đến:
- Người già sống neo đơn, không có con cái bên cạnh.
- Những người có số tiền lớn trong tài khoản ngân hàng.
- Có sổ tiết kiệm ở ngân hàng.
Phương thức lừa đảo:
- Yêu cầu bạn gửi toàn bộ tiền có trong tài khoản vào tài khoản của công an để chúng tôi tạm thời phong toả lại.
- Yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để công an kiểm tra lịch sử giao dịch.
Nên làm như thế nào?
Nên ra công an phường gần nhất trình báo, với lại công an không bao giờ có quyền yêu cầu bạn cung cấp tài khoản ngân hàng. Có vấn đề gì yêu cầu họ cung cấp văn bản mời làm việc.
6. Cố tình chuyển tiền nhầm cho bạn
Đặc điểm nhận dạng: “Chị ơi, em là người vừa mới chuyển tiền nhầm cho chị á. Chị có thể giúp em hoàn trả lại số tiền đó cho em được không ạ. Em cảm ơn chị nhiều.”
Chúng sẽ chấp nhận bỏ ra một số tiền chuyển vào tài khoản của bạn luôn. Đương nhiên là sẽ có số điện thoại cho bạn và giả vờ làm nạn nhân chuyển nhầm. Nhờ bạn chuyển tiền lại.
Đối tượng nhắm đến:
- Không có thường xuyên sử dụng chuyển tiền online.
- Có tiền trong tài khoản ngân hàng.
- Mẹ bỉm sữa.
Phương thức lừa đảo:
- Vì bạn không rành về chuyển tiền nên chúng sẽ hướng dẫn bạn chuyển tiền. Trong quá trình hướng dẫn bằng cách nào đó chúng sẽ yêu cầu bạn cung cấp OTP, mật khẩu để chúng thực hiện chuyển tiền đi.
- Khi bạn phát hiện ra thì tiền trong tài khoản đã không cánh mà bay rồi.
Nên làm như thế nào?
Chủ động liên hệ trực tiếp với ngân hàng để chuyển tiền trả lại, tuyệt đối không chuyển trả lại cho bất kỳ bên thứ 3 hoặc cho cá nhân nào cả. Tài khoản của bạn và bạn chỉ làm việc với ngân hàng.
7. Giả vờ đặt mua hàng của bạn
Đặc điểm nhận dạng: “Chị ở nước ngoài, chị đặt hàng mua rồi em ship qua cho người nhà chị ở Việt Nam giùm nha. Chị sẽ chuyển tiền trước cho em.”
Hình thức lừa đảo này hoàn toàn mới và nhiều chị em chắc chắn chưa biết hình thức này. Nhưng mình đã nghe được một người bạn của mình kể lại sự cố mà cô ấy trực tiếp trải qua.
Đối tượng nhắm đến:
- Người bán hàng online.
- Hộ kinh doanh vừa và nhỏ
Phương thức lừa đảo:
- Chúng giả vờ hỏi mua mặt hàng mà bạn đang bán. Nhưng sẽ nói rằng ở nước ngoài, có chuyển tiền vào tài khoản cho bạn rồi đó. Do mình chuyển tiền từ người ngoài về nên yêu cầu bạn đăng nhập vào đây để nhận tiền.
- Nếu bạn đăng nhập vào đường link chúng đưa thì coi như chúng đã toàn quyền kiểm soát được tài khoản ngân hàng của bạn rồi.
8. Hack SMS Brandname ngân hàng gửi tin nhắn
Đặc điểm nhận dạng: “Tài khoản ngân hàng của bạn đã bị khoá, vui lòng đăng nhập đường dẫn sau để kích hoạt lại tài khoản của bạn: www.i-vietinbank.com.”
Không biết bằng cách nào mà chúng đã hack được tổng đài có chưa tên ngân hàng luôn. Dùng tổng đài này để nhắn tin cho khách hàng nên họ lầm tưởng đây là thông báo chính thống của ngân hàng. Như trang web bên trên mình viết sai rồi đó.
Đối tượng nhắm đến:
- Tất cả mọi người, cho dù bạn có dùng tài khoản ngân hàng hay không nữa thì chúng vẫn cứ gửi SMS đại trà hàng loạt.
Phương thức lừa đảo:
- Trong tin nhắn SMS, chúng sẽ gửi một đường link nếu nhìn sơ qua bạn đều tưởng đây là trang web chính thống của ngân hàng. Sau khi bấm vào link thì yêu cầu bạn đăng nhập tên đăng nhập, mật khẩu. Đồng thời chũng sẽ khai thác được thông tin và thực hiện lệnh chuyển tiền.
- Bạn thao tác như trên hướng dẫn nhưng không hề biết rằng đang giao trứng cho ác.
Nên làm như thế nào?
Hãy nên nhớ rằng ngân hàng sẽ không bao giờ gửi link qua tin nhắn SMS đâu. Hãy quan sát kỹ các đường link có phải đúng tên miền của ngân hàng hay không. Vì chúng hack được tin nhắn tổng đài nên các bạn phải hết sức cẩn trọng. Ngân hàng đang bó tay với tội phạm này.
9. Hỗ trợ đổi SIM điện thoại 4G
Đặc điểm nhận dạng: “Em gọi từ tổng đài nhà mạng Mobifone, em thấy SIM điện thoại của mình đã cũ rồi. Bên em đang có chương trình đổi SIM mới miễn phí. Nếu không đổi có thể liên lạc của anh chị sẽ bị gián đoạn.”
Nếu bạn rơi vào trường hợp này bạn có đồng ý để nhân viên nhà mạng đó hỗ trợ đổi SIM không. Dĩ nhiên là có rồi vì không đổi thì mình bị gián đoạn sao.
Đối tượng nhắm đến:
- Những người đang sở hữu thẻ tín dụng.
- Đang dùng tài khoản ngân hàng, thường xuyên dùng Internet Banking.
Phương thức lừa đảo:
- Yêu cầu bạn nhắn tin theo cú pháp nào đó để cố gắng chiếm quyền kiểm soát SIM điện thoại của bạn.
- Có thể chúng sẽ hỗ trợ đổi SIM điện thoại cho bạn tận nơi luôn đó.
- Trước đó, chúng đã có thông tin tài khoản của bạn rồi. Còn thiếu mỗi mã OTP nữa là có thể giao dịch được nên có được SIM điện thoại của bạn rồi chúng lập tức thực hiện giao dịch ngay.
Nên làm như thế nào?
Tuyệt đối không đổi SIM tận nhà, chỉ đổi SIM bằng cách ra trực tiếp cửa hàng giao dịch của nhà mạng.
10. Mua tên miền gần giống tên miền của ngân hàng
Đặc điểm nhận dạng: Chúng lập ra một số trang web với giao diện và tên miền làm người dùng rất dễ nhầm lẫn đó là trang web thật của ngân hàng.
Đối tượng nhắm đến:
- Những người thường xuyên sử dụng Internet Banking thay vì app banking của ngân hàng.
- Những người có thói quen search ngân hàng vào Google rồi mới vào trang web của ngân hàng.
Phương thức lừa đảo:
Bằng cách nào đó, bạn vô tình truy cập vào website chúng tạo ra. Bạn thao tác đăng nhập như bình thường. Chúng sẽ ghi nhớ từng ký tự bạn nhập để đánh cắp thông tin tài khoản của bạn.
Nên làm như thế nào?
Khi giao dịch trên website ngân hàng hãy chắc chắn rằng bạn đang thực hiện trên đúng tên miền của ngân hàng đó. Tốt nhất nên chuyển qua hẵng dùng ứng dụng trên điện thoại di dộng luôn.
11. Tạo tài khoản mạng xã hội giả mạo ngân hàng
Đặc điểm nhận dạng: Chúng tạo tài khoản mạng xã hội Facebook có tên trùng với tên ngân hàng luôn. Ví dụ như Vietcom Bank, Tổng đài MBBank…
Đối tượng nhắm đến:
- Các thành viên trong các cộng đồng người dùng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đó.
- Thường xuyên thắc mắc vấn đề của ngân hàng trên mạng xã hội.
Phương thức lừa đảo:
Chúng sẽ lân la các group, xem thử có ai đang cần sự trợ giúp của tổng đài ngân hàng hay không. Sau đó, gửi inbox cho bạn giống như là đang hỗ trợ dịch vụ cho bạn. Lúc này, chúng sẽ khai thác thông tin về số thẻ, số tài khoản ngân hàng, ngày phát hành để nhằm đánh cắp thông tin của bạn.
Hãy nhớ rằng chẳng ngân hàng nào rãnh hỗ trợ khách hàng qua tài khoản mạng xã hội đâu. Nếu cần cứ gọi lên hotline của ngân hàng nhờ hỗ trợ. Hoặc ra trực tiếp ngân hàng luôn.
12. Rút tiền mặt trả góp thẻ tín dụng
Đặc điểm nhận dạng: “Em gọi từ tổng đài ngân hàng X. Bên em đang có dịch vụ hỗ trợ rút tiền trả góp thẻ tín dụng online.”
Thật ra thì loại hình hỗ trợ rút tiền từ thẻ tín dụng có một số ngân hàng có. Nhưng một số ngân hàng thì không.
Đối tượng nhắm đến:
- Đang sở hữu thẻ tín dụng của các ngân hàng.
- Vừa mới phát hành thẻ tín dụng của ngân hàng.
Phương thức lừa đảo:
Chúng sẽ chào dịch vụ rút tiền chuyển sang trả góp 0% và yêu cầu bạn cung cấp đủ 16 số trên thẻ, Họ và tên chủ thẻ và ngày tháng hết hạn thẻ.
Nên làm như thế nào?
Hãy gọi lên hotline để xác nhận rằng ngân hàng mà bạn đang sử dụng có cung cấp dịch vụ đó. Tuy nhiên, trong trường hợp có dịch vụ đó đi nữa thì không có ngân hàng nào yêu cầu bạn cung cấp đủ 16 số in nổi trên thẻ đâu nhé.