Đánh giá Fmarket – Có nên mua chứng chỉ quỹ tại Fmarket?
Thời gian gần đây, mình thấy một số nhà đầu tư trẻ tuổi đang tìm mua các chứng chỉ quỹ nhiều hơn là gửi tiền tiết kiệm ngân hàng. Trong đó, Fmarket được nhiều người lựa chọn để mua chứng chỉ quỹ hơn thay vì tìm đến từng quỹ đầu tư để mở tài khoản và đặt lệnh mua.
Hôm nay, MoneyHub sẽ review Fmarket chi tiết để các bạn có thể hiểu hơn về nền tảng mua bán chứng chỉ quỹ này.
1. Fmarket là gì?
Fmarket là một nền tảng cho phép khách hàng có thể dễ dàng mua chứng chỉ quỹ của nhiều quỹ đầu tư khác nhau tại Việt Nam một các đơn giản và dễ dàng thông qua chiếc điện thoại hoặc laptop.
Fmarket là từ viết tắt của Fund (Quỹ) – Market (Thị trường), Fmarket giống như một cái siêu thị quỹ, trong đó bày bán tất cả các chứng chỉ quỹ. Nhà đầu tư chỉ cần tạo tài khoản ở một nơi là Fmaket và bắt đầu đi shopping bỏ những quỹ muốn mua vào giỏ hàng và tiến hành thanh toán.
2. Ưu và nhược điểm của Fmarket
2.1. Ưu điểm
Như các bạn đã biết, thì trên thị trường hiện nay có khá nhiều ứng dụng đầu tư 4.0 như Finhay, Tikop, Savenow, Infina. Nhưng Fmarket mặc dù chỉ phát triển website nhưng vẫn được ưa dùng vì những ưu điểm nổi bật dưới đây:
- Với Fmarket, người dùng sẽ không tốn phí quản lý tài khoản, một số khác gọi là phí quản lý tài sản của bạn. Fmarket chỉ nhận được hoa hồng từ quỹ đầu tư, nơi mà Fmarket đã giới thiệu khách hàng đến cho họ. Ứng dụng Finhay thì có thu loại phí này của người dùng.
- Đơn giản hơn trong vấn đề mở tài khoản. Thay vì theo cách truyền thống, bạn muốn mua chứng chỉ quỹ nào thì phải mở tài khoản ở quỹ đầu tư đó, ký hợp đồng mới có thể mua được. Giả sử như bạn mua nhiều quỹ thì bạn phải mở tài khoản ở nhiều nơi. Nhưng với Fmarket, bạn không cần phải mở nhiều nơi như thế, một Fmarket là đủ rồi.
- Fmarket không trực tiếp nhận tiền của bạn mà mọi vấn đề thanh toán, chuyển khoản bạn đều chuyển tiền trực tiếp đến quỹ thông qua cú pháp hướng dẫn của Fmarket. Do đó, nếu như Fmarket có phá sản thì tiền của bạn cũng không bị ảnh hưởng.
- Quản lý gia sản của bạn ở một nơi, mặc dù bạn không chuyển tiền cho Fmarket nhưng Fmarket vẫn thống kê lại những khoản tiền mà bạn đã đầu tư ra để mua. Điều này giúp bạn dễ dàng quan sát sự tăng giảm của từng quỹ để đưa ra những quyết định kịp thời.
2.2. Nhược điểm
Fmarket vẫn tồn tại một số nhược điểm mà mình nghĩ rằng nếu có thể cải thiện được thì sẽ tốt hơn:
- Không có app Fmarket trên điện thoại (cả iOS và Android). Đây là một trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư trẻ của thế hệ Gen Y, Gen Z. Vì thói quen của nhà đầu tư là hay vào quan sát sự tăng giảm của danh mục đầu tư. Nếu có app mở lên vào xem luôn thì tiện hơn là vào website rồi đăng nhập. Mình có hỏi một số bạn bên Fmarket thì họ có nói rằng tầm cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10/2021 Fmarket sẽ ra mắt ứng dụng.
- Không có nhiều tài sản đầu tư khác ngoài Chứng chỉ quỹ. Dẫu biết rằng quỹ mở thì họ sẽ dùng tiền mình để đầu tư vào nhiều loại tài sản như vàng, trái phiếu, cổ phiếu… Không nhất thiết phải có cổ phiếu trên Fmarket, nhưng nếu bổ sung được mua vàng online như cách Finhay họ làm hoặc mua trái phiếu như Infina chẳng hạn.
- Nhà đầu tư vẫn phải thực hiện lệnh chuyển tiền thủ công từ app ngân hàng số của mình. Nếu như tích hợp được cổng thanh toán liên kết ngay trên Fmarket luôn thì sẽ tiện hơn. Tuy nhiên, đây thuộc vấn đề của Uỷ bản chứng khoán nhà nước quy định rồi. Quy định này bắt buộc người mua chứng chỉ quỹ phải tự tay chuyển tiền để đảm bảo quyền lợi cũng như hạn chế rủi ro về tiền.
3. Thông tin pháp lý của công ty chủ quản Fmarket
Để đầu tư bất kỳ kênh đầu tư nào thì pháp lý rất quan trọng. Nếu kênh đầu tư đó mang lại lợi nhuận cao nhưng chưa hợp pháp tại Việt Nam thì coi như rất rủi ro. Với Fmarket, mình có thể chắc chắn rằng Fmarket là mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, được pháp luật Việt Nam công nhận.
Vậy công ty nào đứng sau chủ quản của nền tảng mua bán chứng chỉ quỹ Fmarket? Đó công ty Fincorp, được Uỷ ban chứng khoán nhà nước cấp giấy phép hoạt động vào ngày 02 tháng 04 năm 2018. Mình có thống kê lại một số thông tin cơ bản thông qua bảng dưới đây:
Tên đầy đủ | Công ty CP Công Nghệ Tài Chính Fincorp |
Mã số thuế | 0314127430 |
Ngày đăng ký | 23/11/2016 |
Đại diện pháp luật | Đỗ Văn Chuẩn |
Ngành nghề chính | Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu (6619) |
Địa chỉ | 4A/167A Nguyễn Văn Thương, P. 25, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh |
4. Các loại quỹ mở có mặt trên Fmarket
4.1. Quỹ trái phiếu
STT | Tên CCQ | Tổ chức phát hành |
---|---|---|
1 | VCBF-FIF | Công Ty Liên Doanh Quản Lý Quỹ Đầu Tư Chứng Khoán Vietcombank |
2 | VFF | Công Ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Vinacapital |
3 | VFMVFB | Công Ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam |
4 | BVBF | Công Ty TNHH Quản Lý Quỹ Bảo Việt |
5 | DFVN-FIX | Công Ty TNHH MTV Quản Lý Quỹ Dai-Ichi Life Việt Nam |
6 | SSIBF | Công Ty TNHH Quản Lý Quỹ SSI |
Quỹ trái phiếu là quỹ mở chủ yếu đầu tư vào Trái phiếu trên thị trường chứng khoán. Dành hơn 80% tài sản để đầu tư vào trái phiếu như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và các loại giấy tờ có giá khác.
Các quỹ trái phiếu này thường mang lại lợi nhuận ổn định ở mức vừa phải, cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng. Có tính an toàn cao, ít rủi ro và dễ mua. Phù hợp với những ai thích sự tiện lợi, không thích mạo hiểm cao.
4.2. Quỹ cổ phiếu
STT | Tên CCQ | Tổ chức phát hành |
---|---|---|
1 | VCBF-BCF | Công Ty Liên Doanh Quản Lý Quỹ Đầu Tư Chứng Khoán Vietcombank |
2 | VEOF | Công Ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Vinacapital |
3 | VESAF | Công Ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam |
4 | VFMVF4 | Công Ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam |
5 | BVFED | Công Ty TNHH Quản Lý Quỹ Bảo Việt |
6 | BVPF | Công Ty TNHH Quản Lý Quỹ Bảo Việt |
7 | DFVN-CAF | Công Ty TNHH MTV Quản Lý Quỹ Dai-Ichi Life Việt Nam |
8 | SSISCA | Công Ty TNHH Quản Lý Quỹ SSI |
Đối với quỹ cổ phiếu thì các công ty này chủ yếu đầu tư mua cổ phiếu của các công ty có tiềm năng và nền tảng để mang lại lợi nhuận cao trong khoản thời gian trung và dài hạn.
Trong 3 loại quỹ có mặt trên Fmarket thì đây là loại quỹ mà mang lại lợi nhuận cao nhất, thậm chí có một số quỹ mang lại lợi nhuận 100% (nhân đôi tài sản) sau 1 năm như VESAF. Đây là kết quả lịch sử thôi chứ không phải cam kết lợi nhuận trong tương lai.
Khi mua chứng chỉ quỹ của các công ty này, có thể tài sản của bạn sẽ bị biến động mạnh và đòi hỏi bạn phải vững tâm lý. Nếu có thể, hãy đầu tư theo trung và dài hạn, ít nhất là từ 1 – 3 năm trở lên.
4.3. Quỹ cân bằng
STT | Tên CCQ | Tổ chức phát hành |
---|---|---|
1 | VCBF-TBF | Công Ty Liên Doanh Quản Lý Quỹ Đầu Tư Chứng Khoán Vietcombank |
2 | VIBF | Công Ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Vinacapital |
3 | VFMVF1 | Công Ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam |
Quỹ cân bằng tập trung đầu tư vào các danh mục đầu tư có sự ổn định, hạn chế rủi ro bằng cách đa dạng các danh mục đầu tư của mình.
Các quỹ đầu tư này nên được đầu tư cho trung và dài hạn nhiều hơn, mang yếu tố tích luỹ tài sản cho tương lai. Số liệu lịch sử cho thấy các quỹ đầu tư này mang lại lợi nhuận khá ấn tượng và cao hơn tiền gửi ngân hàng rất nhiều.
5. Đọc hiểu một số tính năng cơ bản của Fcenter trên Fmarket
- Lệnh chờ xử lý (1): Đây là nơi thể hiện tất cả các giao dịch của bạn chưa được khớp lệnh. Chúng còn đang ở trạng thái đang chờ để khớp lệnh mua của bạn.
- Lịch sử giao dịch (2): Đây là nơi thể hiện tất cả các giao dịch trên tài khoản của bạn, lịch sử mua bán của bạn trên Fmarket.
- Giá gần nhất (3): Đây là mức giá được cập nhật dành cho 1 chứng chỉ quỹ tương ứng của quỹ đó.
- Lợi nhuận (4): Đây là mức lợi nhuận lịch sử của quỹ trong quá khứ, không phải mức lợi nhuận cam kết trong tương lai.
- Đăng ký định kỳ (5): Bạn không muốn mua thủ công và muốn mua định kỳ hàng tháng thì có thể chọn tính năng này. Mình có nói rõ hơn ở phần dưới.
- Quản lý tài sản (6): Đây là nơi thể hiện tất cả các tài sản quỹ mà bạn đã mua, giúp bạn dễ dàng theo dõi danh mục đầu tư của mình.
- Hồ sơ đăng ký (7): Nơi bạn có thể tải các giấy tờ đăng ký giao dịch để có thể đăng ký hoàn tất việc mua bán chứng chỉ quỹ.
- Tài khoản (8): Nơi bạn có thể cập nhật các thông tin cá nhân về tài khoản của mình tại Fmarket.
6. Hướng dẫn mua chứng chỉ quỹ trên Fmarket
6.1. Bước 1: Đăng ký một tài khoản tại Fmarket.
Các bạn truy cập vào trang chủ Fmarket, bấm đăng ký và điền thông tin cá nhân để tạo một tài khoản Fmarket.
6.2. Bước 2: Chọn chứng chỉ quỹ muốn mua
Sau khi đăng nhập thành công, tại phần giao dịch các bạn chọn nút “Mua” tương ứng với chứng chỉ quỹ.
6.3. Bước 3: Nhập số lượng chứng chỉ quỹ cần mua
Nhập số tiền bạn muốn mua là bao nhiêu, Fmarket sẽ tính toán ra số lượng chứng chỉ quỹ mà bạn nắm giữ trên đơn giá của chứng chỉ quỹ đó. Điền đầy đủ thông tin và xem lại về phí và chọn nút mua.
6.4. Bước 4: Thực hiện chuyển khoản thủ công
Vào giỏ hàng Fmarket, bạn chọn vào nội dung thanh toán để xem số tiền cần chuyển, đến ngân hàng nào và số tiền là bao nhiêu. Nhớ để nội dung chuyển khoản theo hướng dẫn bạn nhé. Chuyển khoản xong thì chọn Xác nhận đã thanh toán.
Việc còn lại của bạn bây giờ là chờ khớp lệnh thôi nhé.
7. Chương trình đăng ký mua định kỳ của Fmarket
Fmarket có một tính năng rất hay là mua chứng chỉ quỹ định kỳ. Tức là bạn đang có kế hoạch bạn sẽ mua chứng chỉ quỹ mỗi tháng, nhưng thay vì tháng nào bạn cũng lên Fmarket để thực hiện mua thủ công thì bạn sẽ đặt lệnh định kỳ.
Mỗi tháng, khi đến ngày Fmarket sẽ nhắn tin và gửi email để nhắc nhở bạn chuyển tiền cũng như hướng dẫn cú pháp chuyển tiền. Bạn chỉ việc chuyển tiền theo cú pháp là chứng chỉ quỹ của bạn sẽ được khớp lệnh. Khi rãnh bạn lên phần quản lý tài sản để xem thôi.
8. Một số lưu ý khi mua chứng chỉ quỹ trên Fmarket
- Fmarket không thu phí của bạn nhưng không có nghĩa rằng bạn không tốn phí khi mua chứng chỉ quỹ. Quỹ đầu tư sẽ thu phí bạn khi bạn mua chứng chỉ quỹ, tuỳ vào số tiền bạn mua mà mức phí sẽ khác nhau. Dao động từ 0,1 – 0,5% số tiền mua. Nếu mua trên 10 tỷ thông thường sẽ được miễn phí mua.
- Chỉ mua thành công khi đã khớp lệnh thành công. Không phải cứ chuyển tiền thành công là mua thành công, bạn phải chờ khớp lệnh trên thị trường chứng khoán nữa.
- Lợi nhuận được thể hiện trên Fmarket là lợi nhuận được tính từ quá khứ, không phải mức lợi nhuận trong tương lai. Theo quy định của Uỷ ban chứng khoán nhà nước thì các quỹ đầu tư chuyên nghiệp không được cam kết lợi nhuận.
- Sau khi mua, nhà đầu tư nên bổ sung thêm giấy đăng ký giao dịch và gửi về Fmarket nữa. Form đăng ký bạn có thể tải về dễ dàng ở hồ sơ đăng ký.
- Liên tục cập nhật theo dõi danh mục đầu tư của mình để kịp thời xử lý khi cần thiết. Mặc dù đầu tư vào các quỹ thường rất an toàn và rủi ro rất thấp.
Mong là sau bài review đánh giá Fmarket đã giúp các bạn biểu được Fmarket là gì, cũng như cơ chế hoạt động của Fmarket. Chúc bạn mua được những chứng chỉ quỹ có mức lợi nhuận cao. Ngoài ra, các bạn có thể vào: Các kênh dầu tư hiệu quả để xem các danh mục đầu tư khác.