Thẻ tín dụng nội địa là gì? Khác gì so với thẻ tín dụng quốc tế

Thẻ tín dụng nội địa là gì? Khác gì so với thẻ tín dụng quốc tế

Chúng ta thường quen với dòng thẻ tín dụng quốc tế mang thương hiệu Visa/Mastercard. Nhưng thẻ tín dụng nội địa là gì thì nhiều người dùng cá nhân, thậm chí làm trong ngành tài chính cũng không có nhiều kiến thức về nó.

Để hiểu rõ về bản chất của thẻ tín dụng nội địa là gì, khác gì so với thẻ tín dụng quốc tế mà chúng ta thường hay sử dụng. Tại sao ngân hàng nhà nước lại mong muốn thúc đẩy sản phẩm thẻ tín dụng nội địa này càng nhanh càng tốt.

1. Thẻ tín dụng nội địa là gì?

Thẻ tín dụng nội địa là loại thẻ mà ở đó người dùng có thể sử dụng để chi tiêu trước và trả nợ sau. Thẻ này chỉ được sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Giống như thẻ tín dụng quốc tế thì hạn mức thẻ tức số tiền mà ngân hàng tạm ứng cho phép bạn được sử dụng sẽ phụ thuộc vào mức độ tín nhiệm của bạn. Cụ thể thì thu nhập bạn càng cao thì hạn mức được cấp của thẻ tín dụng nội địa sẽ cao.

2. Ưu điểm của thẻ tín dụng nội địa

  • Hồ sơ mở thẻ tín dụng nội địa đơn giản so với mở thẻ tín dụng quốc tế.
  • Có thể rút tiền từ 50% đến 100% hạn mức của thẻ tín dụng nội địa.
  • Phí rút tiền cực thấp, một số ngân hàng còn miễn phí luôn loại phí này, bạn chỉ cần trả phí vài nghìn đồng cho mỗi lần rút giống như thẻ ATM.
  • Vẫn được tham gia chương trình miễn lãi từ 45 ngày đến 55 ngày tuỳ ngân hàng.
  • Lãi suất và phí quản lý thấp hơn so với thẻ tín dụng quốc tế.

3. Nhược điểm của thẻ tín dụng nội địa

  • Chỉ sử dụng được trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc bạn không thể mua sắm ở các trang thương mại điện tử nước ngoài như Amazon hay thanh toán Google Ads, Facebook Ads.
  • Hạn mức tín dụng thường thấp hơn so với thẻ tín dụng quốc tế.

4. Điểm khác biệt so với thẻ tín dụng quốc tế

le-hop-tac-dong-loat-ra-mat-the-tin-dung-noi-dia

TTD nội địa TTD quốc tế
Phí rút tiền tại trụ ATM từ 0% đến dưới 2% Phí rút tiền tại trụ ATM thông thường 4%
Chỉ thanh toán được trong nước Việt Nam Có thể thanh toán toàn cầu với nhiều loại ngoại tệ khác nhau.
Có thể rút tiền mặt lên đến 100% hạn mức thẻ Chỉ có thể rút được từ 50% – 70% hạn mức thẻ
Napas là thương hiệu trung gian thanh toán Visa/Mastercard/JCB/Unionpay là thương hiệu trung gian thanh toán
Phí giao dịch chỉ 0,33% – 0,5% Phí giao dịch lên đến 1,3% – 3,5%

5. Những ngân hàng tham gia phát hành thẻ tín dụng nội địa

the-tin-dung-noi-dia-cua-ngan-hang-ban-viet

Mặc dù thời gian gần đây các thông tin báo chí mới được công bố nhiều nhưng thực tế thì đã có nhiều ngân hàng triển khai trước đó loại thẻ này khá lâu rồi.

Điển hình như các ngân hàng dưới đây:

  • Sacombank – Thẻ tín dụng nội địa Family
  • ACB – Thẻ tín dụng nội địa ACB Express
  • Vietinbank – Thẻ tín dụng nội địa VietinBank CashPlus
  • Nam Á Bank – Thẻ tín dụng nội địa Nam Á bank Cash Card
  • Bản Việt – Thẻ tín dụng nội địa Napas Standard

Vào ngày 25/01/2021, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức lễ đồng loạt ra mắt thẻ tín dụng với sự tham gia của 7 ngân hàng như VietinBank, VietCapital Bank, ACB, HDBank, BAOVIET Bank, Sacombank và VietBank.

Ngoài ra, cũng tại sự kiện trên Napas cũng ký một bản ghi nhớ hợp tác phát hành thẻ tín dụng nội địa với các công ty tài chính như Vietcredit, FE Credit…

6. Tại sao lại phải ra mắt dòng thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam?

Thứ nhất, hạn chế dòng tiền phí chảy sang các tổ chức tài chính nước ngoài. Đối với thẻ tín dụng quốc tế thì Visa/Mastercard/JCB/Unionpay đang là các công ty nước ngoài. Với mỗi giao dịch phát sinh trên thẻ bất kể là tại Việt Nam hay nước ngoài thì ngân hàng sẽ phải trả một khoản phí nhất định.

Còn đối với thẻ tín dụng nội địa thì chúng ta có Napas, thay vì dòng tiền chảy ra nước ngoài thì phí này sẽ được giữ lại trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ hai, tiếp cận đối tượng khách hàng thấp hơn tại Việt Nam, đòn bẩy để đẩy lùi tín dụng đen. Người tiêu dùng tại Việt Nam vẫn có xu hướng vay tiêu dùng tiền mặt cho chi tiêu. Do đó, việc giảm phí rút tiền tại các trụ ATM, tạo một kênh vay tiền tạm ứng đủ tin cậy từ ngân hàng sẽ kích thích người dùng sở hữu loại thẻ tín dụng nội địa này so với đi vay tín dụng đen.

Thứ ba, thúc đẩy nhanh chóng hoàn thiện hệ sinh thái thanh toán tại Việt Nam. Việc sở hữu một chiếc thẻ tín dụng sẽ giúp người dùng dần dần có thói quen mua sắm không dùng tiền mặt nhiều hơn.

Share this post