Cách sử dụng thẻ tín dụng đúng cách để không bị mất tiền oan

Cách sử dụng thẻ tín dụng đúng cách để không bị mất tiền oan

Không phải ai cũng biết cách sử dụng thẻ tín dụng như thế nào cho khôn ngoan. Có thể lâu nay bạn đã phạm những sai lầm về thẻ tín dụng khiến cho bạn liên tục bị chịu lãi và phí phát sinh mà bạn không hề hay biết.

Bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách sử dụng thẻ tín dụng một cách chi tiết nhất, từ cơ bản cho đến nâng cao để giúp bạn tận hưởng được những đặc quyền mà thẻ tín dụng mang lại cho người sử dụng thẻ tín dụng.

1. Lợi ích của việc sử dụng thẻ tín dụng

  • Hòa nhập với cuộc sống hiện đại

Những nước phát triển ở Châu Âu như Anh, Pháp hoặc ở Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản thì việc mỗi người có trong ví vài chiếc thẻ tín dụng là chuyện bình thường. Họ dùng thẻ tín dụng như là một vật bất ly thân, là phương thức thanh toán mặc định mỗi khi cần thanh toán mua hàng hóa gì đó.

Thẻ tín dụng được dùng rất nhiều tại các nhà hàng, khách sạn. Với các giao dịch có mức tiền trên 1 triệu thì Ví điện tử, QR Code không được ưu tiên hơn.

  • Tránh những trường hợp rủi ro không cần thiết

Bản thân mình khi bước ra đường mình không mang quá nhiều tiền mặt trong người. Tầm 500k phòng khi trường hợp cần thiết thôi. Còn lại mình toàn dùng ví điện tử với thẻ tín dụng mà thôi. 

Mình hạn chế mang thiền mặt để nếu có bị cướp giật thì rủi ro cũng sẽ ít đi. Nếu có tiền mặt thì chắc chắn là mất rồi, còn bạn mang thẻ nếu bị cướp cứ lên app ngân hàng hoặc gọi lên hotline để khóa thẻ mà thôi.

  • Tận dụng được nguồn vốn tức thì

Cuộc sống mà! Đôi khi cũng thiếu tiền nhưng ngại mượn người thân. Bạn bè thì chưa chắc gì nó cho mượn tiền. Thôi thì cứ thẻ tín dụng mà mượn. Mượn trả lãi, chẳng phiền đến ai.

Nhiều người còn sử dụng tiền trong thẻ để làm nguồn vốn xoay vòng kinh doanh rất tốt. Với 50 triệu / thẻ, bạn có 4 thẻ thì bạn đang có hạn mức 200 triệu làm vốn kinh doanh rồi đấy.

Hiện đang có 2 cách để lấy tiền mặt từ thẻ tín dụng ra, phục vụ cho mục đích kinh doanh. Là rút tiền mặt thẻ tín dụng tại trụ ATM hoặc rút tiền thông qua dịch vụ rút tiền, đáo hạn thẻ.

  • Nhiều chương trình ưu đãi khi mua sắm

Để kích cầu mua sắm, các nhãn hàng có xu hướng liên kết với ngân hàng phát hành thẻ để tung ra những chương trình khuyến mãi cho những ai sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán. Như các chương trình mua hàng trả góp 0%, ưu đãi lãi suất, miễn lãi tối đa 45 ngày hoặc 55 ngày chẳng hạn.

  • Phương thức thanh toán tiện lợi khi đi du lịch

Mỗi khi trước khi đi du lịch bạn sẽ làm gì, đi đổi tiền đúng không?  Mình cũng thế, nhưng trường hợp hết tiền đã đổi rồi thì mình dùng thêm thẻ tín dụng nữa. Ví bản chất thẻ tín dụng cho phép thanh toán quốc tế mà. 

Tuy nhiên, hãy quan tâm đến phí chuyển đổi nhé. Ví dụ như thẻ của Vietcombank phí chuyển đổi ngoại tệ là 2,5%. Thẻ tín dụng của Techcombank phí chuyển đổi ngoại tệ là 2,39%, còn của VPBank là 2% tối thiểu 2 USD.

Không-nên-sử-dụng-thẻ-tín-dụng-1024x576

2. 5 điều bạn cần biết về phí và lãi suất

2.1. Lãi suất cơ bản

Đây là phần lãi suất được ngân hàng niêm yết rõ ràng trong thông tin thẻ tín dụng. Đối với các giao dịch mua sắm online, quẹt thẻ thì được tính lãi dựa trên lãi suất này.

Một số ngân hàng thì tính bằng năm, một số ngân hàng thì để tháng. Tuy nhiên, lãi suất khi tính thẻ tín dụng lại tính dựa trên ngày. Do đó, nếu để năm thì bạn hỏi nhân viên ngân hàng là năm này là 365 hay 360 ngày. Mình thấy phần lớn là họ tính 360 ngày. Do đó, lãi suất sẽ cao hơn.

2.2. Lãi suất rút tiền mặt

Lãi suất này thường bạn không đọc kỹ sẽ không biết được. Chúng ta chỉ thường quan tâm đến lãi suất chung, hay lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, đối với các giao dịch rút tiền mặt tại trụ ATM thì bạn sẽ bị tính một mức lãi suất khác. Lãi này chắc chắn sẽ cao hơn lãi suất chung của thẻ.

Ngoài việc bị tính lãi suất áp dụng ngay từ ngày bạn rút thì bạn còn phải chịu thêm phí rút tiền là 4% nữa. Nên các bạn phải quan tâm kỹ đến vấn đề này nhé.

2.3. Phí thường niên

Đây là loại phí bạn phải đóng hàng năm khi mở thẻ tín dụng. Thông thường, ngay từ năm đầu tiên các ngân hàng thường dùng chiêu marketing là miễn phí thường niên năm đầu tiên. Tuy nhiên, sang năm thứ 2 cho dù bạn không xài cũng bị tính loại phí này.

2.4. Phí chuyển đổi ngoại tệ

Mặc dù được quảng cáo rầm rộ là có thể thanh toán quốc tế một cách dễ dàng. Nhưng chẳng ngân hàng nào đề cập đến việc phải chịu phí chuyển đổi ngoại tệ. 

Tức là nếu bạn dùng thẻ đó mua sắm ở Việt Nam xài nhiêu trả nhiêu, không bị phát sinh thêm khoản phí nào. Nhưng nếu bạn dùng nó bên ngoài lãnh thổ Việt Nam như Mỹ đi chẳng hạn. Thì ngân hàng sẽ thu thêm phí chuyển đổi từ VND sang USD.

Ví dụ như thẻ của Vietcombank phí chuyển đổi ngoại tệ là 2,5%. Thẻ tín dụng của Techcombank phí chuyển đổi ngoại tệ là 2,39%, còn của VPBank là 2% tối thiểu 2 USD.

2.5. Phí chậm thanh toán

Quan điểm trả tiền chậm vài ngày chắc không sao đâu là một quan điểm cực kỳ sai lầm khi sử dụng thẻ tín dụng. Nó sẽ lại là sai lầm lớn nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng của VIB khi ngân hàng này thu phí trả chậm lên đến 4% số tiền bạn cần phải thanh toán.

Tức nếu bạn nợ 30 triệu, đến ngày thanh toán mà bạn không thanh toán sẽ bị phạt 4% x 30 triệu = 1,2 triệu đồng. Cho dù bạn có trả chậm chỉ 1 ngày đi chăng nữa. Cái này là chưa tính thêm các khoản tiền phát sinh lãi suất khác nữa. 

3. Lãi suất thẻ tín dụng được tính như thế nào?

Không-nên-sử-dụng-thẻ-tín-dụng-1024x576

3.1. Nếu như bạn thanh toán tối đa

Chúc mừng bạn, bạn là một người thật sự rất biết cách sử dụng thẻ tín dụng đó. Việc thanh toán tối đa mỗi khi đến ngày thanh toán sẽ giúp bạn tránh được những khoản phí và lãi suất không đáng có.

Việc thanh toán tối đa đã giúp bạn tận dụng được các chương trình miễn lãi của ngân hàng và lãi suất cho khoản chi tiêu kỳ vừa rồi của bạn bằng 0.

3.2. Nếu như bạn thanh toán tối thiểu

Đây là lựa chọn không mấy đúng đắn lắm. Vì khi bạn thanh toán tối thiểu mặc dù bạn không bị nợ xấu nhưng bạn sẽ bị chịu lãi suất phát sinh đối với thẻ tín dụng. Và khoản thời gian miễn lãi 45 ngày đối với bạn là vô nghĩa vì lãi suất nó sẽ tính từ ngày bạn quẹt mua sắm.

Qua tháng tiếp theo bạn mới cảm nhận được lãi suất nó cao vì được tính gần như 2 tháng. Nếu có thể, hãy thanh toán tối đa bạn nhé.

3.3. Nếu như bạn rút tiền mặt tại ATM

Thẻ tín dụng ngoài chức năng mua sắm thì rút tiền mặt trụ ATM vẫn được phép. Tuy nhiên, các bạn lưu ý là nếu dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt tại trụ ATM thì bạn sẽ không được miễn lãi. Mà lãi suất áp dụng luôn kể từ ngày bạn rút, sử dụng bao nhiêu ngày thì lãi suất tính bấy nhiêu ngày.

Ngoài ra, bạn còn phải chịu thêm phí rút tiền nữa. Rơi vào khoảng 4% số tiền bạn rút, một số ngân hàng thì miễn phí rút tiền tại trụ ATM như Bản Việt, Sacombank Family…

3.4. Nếu như bạn đáo hạn thẻ tín dụng

Nếu bạn sử dụng dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng chứng tỏ bạn là một người rất sành về thẻ tín dụng. Tuy nhiên, đây là hành vi vi phạm pháp luật bạn nhé.

Việc đáo hạn thẻ tín dụng giống như là bạn nạp tiền vô tối đa và rút ra lại tối đa. Bạn sẽ được miễn lãi do bạn vẫn được xếp vào hàng thanh toán tối đa mỗi khi đến ngày thanh toán. Tuy nhiên, việc đáo hạn sẽ khiến bạn tháng nào cũng tốn phí dịch vụ nhưng dư nợ thẻ thì vẫn còn đó.

4. Miễn lãi 45 ngày, 55 ngày hiểu thế nào cho đúng?

Các ngân hàng khi công bố thời gian miễn lãi sẽ để chữ “tối đa 45 ngày”, “tối đa 55 ngày” nên không phải lúc nào bạn cũng được hưởng đúng số ngày miễn lãi đó. Nhiều khách hàng lầm tưởng về số ngày này mà thanh toán bị trễ hạn, bị tính lãi rất nhiều.

Mình lấy một ví dụ cụ thể cho các bạn dễ hiểu nhé: Thẻ tín dụng VIB Online Plus được miễn lãi tối đa 45 ngày, ngày sao kê là ngày 25 hàng tháng, thanh toán đâu đó vào ngày 10 hàng tháng.

Trường hợp 1: Giả sử bạn dùng 5 triệu vào ngày 15/06/2021, đến ngày 25/06 ngân hàng lên sao kê khoản chi tiêu đó và ngày 10/07 bạn phải thanh toán vào. Tính từ ngày bạn chi tiêu là 15/06 đến ngày 10/07 thì bạn chỉ được miễn lãi có 25 ngày thôi.

Trường hợp 2: Giả sử bạn dùng 5 triệu vào ngày 26/06/2021 thì mãi đến ngày 20/07/2021 khoản chi tiêu đó mới lên sao kê và thanh toán vào ngày 10/08/2021. Tính từ ngày bạn chi tiêu là ngày 26/06 đến ngày 10/08 thì bạn đã được miễn lãi 45 ngày rồi đó.

Do đó, để tận dụng tối đa thời gian miễn lãi thì bạn nên quẹt vào sao ngày sao kê thẻ tín dụng. Cách sử dụng thẻ tín dụng này là cách chi tiêu rất khôn ngoan mà không phai ai cũng biết.

5. 6 điều tuyệt đối không được làm với thẻ tín dụng

Nếu-bạn-bị-nợ-xấu-thì-phải-làm-sao-1024x576

5.1. Thanh toán hóa đơn muộn

Có thể là bạn quên hoặc bạn mất khả năng thanh toán hoặc với bất kỳ lý do gì mà bạn thanh toán trễ hóa đơn mỗi thàng thì bạn sẽ phải trả với cái giá rất đắt. 

Nhiều ngân hàng thu phí rất cao đối với các khách hàng thanh toán trễ hạn. Thông thường sẽ rơi vào khoảng 2 – 4% số tiền thanh toán tối đa. Như thẻ tín dụng của VIB thì tính 4%. Kỳ đó bạn nợ 30 triệu thì số tiền phạt khi bạn thanh toán chậm là 4% x 30 triệu = 1,2 triệu đồng.

Còn nếu bạn không những trễ mà không thanh toán luôn thì bạn sẽ gặp rắc rối lớn trong tương lai đấy.

5.2. Sử dụng hết hạn mức

Theo lời khuyên của những chuyên gia hàng đầu về tài chính thì họ luôn khuyên rằng bạn chỉ nên sử dụng tối đa 30% hạn mức của thẻ mà thôi.

Thông thường theo nguyên tắc, ngân hàng sẽ cấp cho bạn hạn mức tương đương x5 lần lương của bạn.

Thử làm bài toán, nếu thu nhập bạn 10 triệu đồng/tháng, hạn mức được cấp của bạn sẽ là 50 triệu đồng. Nếu bạn sử dụng 30% hạn mức thẻ, tương đương 15 triệu đồng. Sao kê của tháng đó sẽ cho bạn 2 lựa chọn là thanh toán tối đa 15 triệu đồng, thanh toán tối thiểu khoảng 5%, tương đương 750.000 đồng. Với mức thu nhập 10 triệu/tháng của bạn, bạn đủ sức để thanh toán tối thiểu nhưng vẫn đảm bảo được các khoảng chi tiêu khác.

5.3. Cho người khác mượn thẻ

Một trong những thứ “ngu xuẩn” nhất mà con người làm là cho người khác mượn tiền. Cho người khác mượn thẻ tín dụng đồng nghĩa với việc cho người khác mượn tiền. Thậm chí còn kinh khủng hơn cho mượn tiền.

Mượn tiền thì bạn có tiền bạn cho mượn, không trả thì bạn chỉ mất gốc. Còn mượn thẻ tín dụng đi quẹt mà không trả là bạn mất gốc mà còn phải trả lãi mỗi tháng. Tốt nhất, có tiền thì cho mượn, còn không thì thôi. Tuyệt đối không bao giờ cho mượn thẻ tín dụng.

5.4. Rút tiền mặt tại trụ ATM

Bạn biết đấy, thẻ tín dụng cho phép bạn ứng tiền khi bạn cần khẩn cấp. Tuy nhiên, hãy cân nhắc việc phải rút tiền mặt tại trụ ATM. Bởi vì ngân hàng thu phí rất cao, đến 4% số tiền rút. Thậm chí còn phải chịu lãi suất ngay tại thời điểm bạn rút tiền luôn.

Nếu bạn thực sự cần tiền từ thẻ tín dụng, hãy cân nhắc đến dịch vụ rút tiền thẻ tín dụng nha. (Đây là hình thức rút tiền không hợp pháp tại Việt Nam)

5.5. Mở quá nhiều thẻ tín dụng

Mỗi cá nhân Việt Nam được phép mở tối đa 5 thẻ tín dụng. Tuy nhiên, bạn không cần phải mở quá nhiều thẻ như vậy đâu. Bạn dùng 1 – 2 thẻ là đủ rồi, nếu không đủ để bạn dùng chứng tỏ bạn đang nợ nần ngập đầu rồi. 

Hãy xem xét lại kế hoạch tài chính của bạn để xem bạn đang gặp vấn đề gì để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho con đường tài chính của bạn.

5.6. Chi tiêu chỉ để nhận phần thưởng

Hiện nay có rất nhiều các thẻ với những đặc quyền ưu đãi như phần thưởng hoặc là hoàn tiền cho mua sắm, shopping. Tuy nhiên, đừng mua sắm vô tội vạ chỉ với mục đích là ” Ê mày, nếu mua bằng thẻ này có hoàn tiền nè”. Hoặc là ” Ê mày, mua sắm bằng thẻ này có giảm giá nè”…

6. Những nhóm người không nên sử dụng thẻ tín dụng

Thẻ-tín-dụng-dành-cho-tín-đồ-shopping-1024x576

6.1. Quẹt thẻ để trả nợ

Nếu bạn đang có một khoản nợ của kỳ trước hoặc của những kỳ sao kê trước nữa mà vẫn chưa trả xong thì tốt nhất. Nên dừng lại quẹt thẻ ngay lập tức. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đang nợ người ta, chưa trả xong mà còn đòi mượn tiếp á. 

Nếu là người khác thì họ sẽ không cho bạn mượn đâu. Nhưng là thẻ tín dụng nên khi bạn mượn bạn chẳng cần họ đồng ý nữa rồi. 

6.2. Không có khả năng thanh toán tối đa mà vẫn sử dụng

Ở đây mình đang nói đến thanh toán tối đa nhé. Nếu tháng này bạn chi tiêu 20 triệu, mà thu nhập của bạn chỉ có 15 triệu 1 tháng thôi. Tiền đâu ra mà thanh toán tối đa thế, còn tiền sinh hoạt ăn uống nữa.

Trong việc xài thẻ tín dụng, có một quy tắc bất di bất dịch là: Nếu muốn xài, cuối tháng có trả hết số tiền đã nợ không, còn đã nợ mà nghĩ đến việc trả tối thiểu thì bỏ ngay ý định đó đi nhé. Đã xài là phải thanh toán tối đa thẻ tín dụng, còn không thì đăng ký trả góp 12 tháng gì đấy.

6.3. Đang còn một khoản vay tín chấp ở công ty tài chính

Vay tín chấp bản chất của nó cũng giống như thẻ tín dụng mà thôi. Lãi suất của vay tín chấp hoặc bằng hoặc cao hơn thôi chứ không thấp hơn lãi suất thẻ tín dụng được. Hãy giải quyết nợ nần một cách cuốn chiếu.

Xong cái này đã rồi mới tính cái tiếp theo. Nếu muốn hết nợ hãy bắt đầu giải quyết những khoản nợ lãi suất cao nhất. Hoặc là khoản nợ đó lãi suất cao, hoặc là khoản nợ đó cần phải dứt điểm ngay.

Tốt nhất, nếu còn đang nợ công ty tài chính. Trả hết nợ đi rồi hãy nghĩ đến việc sử dụng thẻ tiếp bạn nhé.

6.4. Tự nhiên muốn đi shopping mà không có tiền

Cái này các bạn nữ rất dễ mắc phải. Đang có cái áo này đẹp quá, cái quần kia đẹp quá. Tặc lưỡi, thôi mua cái đã. Mình có thẻ tín dụng để sử dụng mà. Dù gì kiếm tiền mà không lo cho bản thân thì kiếm làm gì.

Mấy suy nghĩ trên quen đúng không. Những lúc như thế này hãy nghĩ như thế này. Tiền trong thẻ tín dụng không phải tiền của bạn. Đấy là tiền của ngân hàng. Họ cho bạn mượn nhưng đồng nghĩa với việc bạn phải trả lãi.

Mà chẳng ai lại đi mượn tiền đi mua sắm cả. Không nên sử dụng thẻ tín dụng trong trường hợp này nhé.

6.5. Rút tiền để trang trải chi phí sinh hoạt

Nếu bạn đang rơi vào trường hợp này bạn phải ngồi lại và suy nghĩ. Kế hoạch tài chính của bạn đang gặp vấn đề phải không? Nếu được, hãy mượn tiền tạm người thân hoặc ai đó để trang trải cuộc sống. Rồi sau đó xem lại thu nhập của mình như thế nào. Nó có đang ổn không?

Có thể gấp quá bạn có thể ứng nó 1 lần thôi, nhưng vài ba lần liên tiếp cứ rút tiền ra để sinh hoạt thì tuyệt đối không nên bạn nhé. Lựa chọn này quá nhiều rủi ro trên con đường tài chính của bạn đấy.

Hy vọng là bài viết này đã góp phần nhận ra những sai lầm của bản thân, giúp bạn biết cách sử dụng thẻ tín dụng một cách hợp lý hơn. Thoát khỏi những bẫy nợ nần mà thẻ tín dụng giăng ra cho bạn.

Share this post