Thẻ ngân hàng là gì? Phân biệt các loại thẻ ngân hàng

Thẻ ngân hàng là gì? Phân biệt các loại thẻ ngân hàng

Thẻ ngân hàng ngày càng được sử dụng phổ biến như một hình thức thanh toán hiện đại. Tuy nhiên, mỗi loại thẻ ngân hàng sẽ có những tính năng khác nhau, do đó việc hiểu rõ đặc điểm của từng loại thẻ ngân hàng sẽ giúp bạn lựa chọn cho mình một loại thẻ phù hợp với nhu cầu sử dụng.

1. Thẻ ngân hàng là gì?

Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán do ngân hàng/ tổ chức tín dụng phát hành cấp cho khách hàng sử dụng để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ hoặc rút tiền mặt trong phạm vi số dư tiền của mình hoặc hạn mức tín dụng được cấp, các giao dịch này liên quan đến thanh toán thông qua ngân hàng, vì vậy được gọi là thẻ ngân hàng.

Thẻ ngân hàng ra đời với mục đích chính giúp cho việc giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế rủi ro khi sử dụng tiền mặt quá nhiều, đây là phương thức mua bán hàng hóa bán lẻ và phát triển gắn liền với việc ứng dụng công nghệ tin học trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Có 3 loại thẻ ngân hàng chính: Thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước với tính năng sử dụng và đặc điểm hoàn toàn khác nhau. Cả 3 thẻ này đều là thẻ thanh toán, hay thẻ vật lý. Một số ngân hàng còn phát hành thẻ ảo (thẻ phi vật lý) chỉ sử dụng online như thanh toán trực tuyến mà không biểu hiện dưới hạng thẻ vật lý.

Ngoài ra, chắc hẳn các bạn cũng đã từng nghe thấy thẻ ATM, thẻ ATM cũng là một loại thẻ ngân hàng nó bao gồm cả 03 loại thẻ trên, nhưng vì các loại thẻ này có thể thực hiện một số tính năng ở máy ATM như rút tiền, chuyển khoản.v.v… vì vậy, người ta hay gọi chung là thẻ ATM.

2. Các loại thẻ ngân hàng hiện nay

Hiện nay có rất nhiều tên gọi, khái niệm về các loại thẻ như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, thẻ từ, thẻ chip.v.v…Về bản chất đây đều là các thẻ nằm trong thẻ ngân hàng (thẻ để sử dụng trong giao dịch ngân hàng), tuy nhiên chúng được phân loại theo các tiêu chí, căn cứ khác nhau để thành nhiều loại thẻ như vậy.

2.1. Phân loại theo nguồn tiền tiêu dùng trong thẻ

2.1.1. Thẻ tín dụng (Credit Card)

Thẻ tín dụng là một công cụ thanh toán không dùng tiền mặt, cho phép chủ thẻ này chi tiêu trước, trả tiền sau. Ngân hàng sẽ cung cấp cho bạn một hạn mức chi tiêu. Bạn sử dụng hạn mức đó để thanh toán các hóa đơn hàng hóa tại các điểm máy POS hoặc mua hàng online.

Đây thực chất là một khoản vay, bạn vay của ngân hàng để thực hiện các chi tiêu trong một hạn mức nhất định, sau đó sẽ trả nợ khi đến hạn trả nợ theo quy định. Do đó, chỉ những người có thu nhập hay chứng minh được khả năng trả được nợ cho ngân hàng mới có thể làm thẻ này.

the-tin-dung

Đặc điểm của thẻ tín dụng:

  • Chủ thẻ tín dụng thường được miễn lãi tối đa 45-55 ngày tùy chính sách của từng ngân hàng. Tức là từ ngày mua hàng bằng thẻ tín dụng, bạn có tối đa 45-55 ngày không bị tính lãi suất nếu trả đủ số tiền đã dùng từ thẻ. Vượt quá 45-55 ngày này mà chưa thanh toán, bạn chịu lãi suất từ 25-30%/ năm trở lên.
  • Cần chứng minh được nguồn thu nhập hàng tháng để mở thẻ.
  • Không thể chuyển khoản tiền từ thẻ tín dụng (rất ít ngân hàng cho phép chuyển khoản, và chỉ chuyển khoản trong hệ thống).
  • Chủ thẻ tín dụng thường xuyên được giảm giá, khuyến mãi.

Khi toàn bộ số tiền phát sinh được hoàn trả cho ngân hàng, hạn mức tín dụng của chủ thẻ được khôi phục như ban đầu. 

Thẻ tín dụng thường là thẻ quốc tế với tính năng thanh toán trên phạm vi toàn cầu, chỉ có số ít ngân hàng phát hành thẻ tín dụng nội địa. Thẻ tín dụng quốc tế có thể mang thương hiệu khác nhau như Visa, MasterCard, JCB, American Express… nhưng tính năng sử dụng hoàn toàn như nhau.

Thẻ tín dụng có các hạng thẻ dành cho từng nhóm khách hàng:

  • Thẻ hạng chuẩn
  • Thẻ hạng vàng
  • Thẻ bạch kim

Trên thẻ không có chữ ‘Credit” giống như thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng cũng thường xuyên nhận ưu đãi từ ngân hàng hoặc nhà cung cấp như giảm giá, quà tặng, điểm thưởng…Vì vậy nếu tận dụng tốt thì chắc chắn thẻ tín dụng sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều.

2.1.2. Thẻ ghi nợ (Debit Card)

Thẻ ghi nợ do ngân hàng cung cấp kèm theo khi mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, cho phép chủ thẻ sử dụng số tiền họ có trong tài khoản. Bạn có thể thanh toán, chuyển khoản, rút tiền mặt tại ATM hay thực hiện những giao dịch khác trong phạm vi số tiền của bạn.

Nếu bạn có thể mua sắm hàng hóa ngay cả khi không có tiền trong thẻ tín dụng, thì bạn chỉ có thể mua sắm nếu có tiền trong thẻ ghi nợ và là tiền của bạn chứ không phải tiền đi vay. Rõ ràng bạn sẽ không phải lo lắng về thời hạn thanh toán, lãi suất và các loại phí phạt giống như thẻ tín dụng song lại không có nhiều ưu đãi.

the-ghi-no

Một số ngân hàng còn phát hành thẻ ghi nợ theo hạng thẻ:

  • Với hạng thẻ chuẩn, bạn chỉ cần mang CMND tới chi nhánh ngân hàng để mở tài khoản thanh toán và yêu cầu làm thẻ ghi nợ
  • Với các hạng thẻ cao hơn bạn có thể phải đảm bảo số tiền gửi tối thiểu trong tài khoản, ví dụ 20 triệu đồng để làm thẻ ghi nợ hạng vàng chẳng hạn.

2.1.3. Thẻ trả trước (Thẻ prepaid)

Bạn không cần mở tài khoản ngân hàng để làm thẻ trả trước, thậm chí bạn có thể mua thẻ này tại chi nhánh mà không cần có CMND. Bạn chỉ cần nạp tiền vào thẻ này và chi tiêu, số tiền trong thẻ cũng chính là giới hạn chi tiêu của bạn; do đó thẻ được ví như SIM điện thoại.

Thẻ trả trước được chia thành thẻ định danh và thẻ không định danh.Trong đó thẻ định danh có đầy đủ thông tin của chủ thẻ và có thể rút tiền mặt tại ATM, thẻ không định danh không thể rút tiền tại ATM nhưng bạn có thể mua thẻ mà không cần CMND.

Ngoài ra, trong loại thẻ này còn có thể là thẻ trả trước không cần mở tài khoản. Một số ngân hàng đồng phát hành thẻ ảo, thẻ phi vật lý. Hiện nay, hầu hết việc mua thẻ ảo của các ngân hàng sẽ không mua trực tiếp được tại trang web của ngân hàng đó mà sẽ thông qua các ứng dụng, ví điện tử online như Paypal, Momo, Bảo kim, Trustcard.v.v. …, bạn thực hiện qua một số bước đơn giản ngay lập tức thông tin của thẻ sẽ được gửi về Email hoặc SĐT của bạn.

2.2. Phân biệt thẻ ngân hàng theo phạm vi lãnh thổ

Thông thường ngân hàng tại Việt Nam sẽ phát hành song song 2 loại thẻ cho phép kết nối chung với một tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng, đó là thẻ nội địa và thẻ quốc tế.

2.2.1. Thẻ nội địa 

  • Phạm vi sử dụng chỉ ở trong nước
  • Có thể rút tiền tại các cây ATM trong nước
  • Chỉ mua sắm được trên các website ở Việt Nam
  • Phí dịch vụ khá rẻ

2.2.2. Thẻ quốc tế

  • Phạm vi sử dụng cả trong nước và quốc tế
  • Có thể rút tiền tại các cây ATM trên toàn thế giới
  • Thoải mái mua sắm trên các website trong nước và quốc tế
  • Thẻ phổ biến: thẻ tín dụng (credit card), ghi nợ (debit card) và trả trước (prepaid card)
  • Tên các loại thẻ thông dụng (Visa, Master, JCB, American Express, Western Union, …
  • Phí dịch vụ khá cao

Bạn nên lựa chọn việc chi tiêu của mình hay ở trong nước hay cả ở nước ngoài để lựa chọn loại thẻ đem lại chi phí tốt nhất.

2.3. Phân loại thẻ ngân hàng theo kỹ thuật

Theo kỹ thuật, thẻ ngân hàng sẽ được phân ra thành hai loại: thẻ từ hoặc thẻ chip.

2.3.1. Thẻ từ

  • Loại: Chỉ có một loại
  • Cấu trúc bên ngoài: Thẻ nhựa có băng từ ở mặt đằng sau
  • Lưu trữ: lưu thông tin trên băng từ
  • Độ bền: thấp, băng từ dễ bị trầy xước
  • Lượng thông tin lưu trữ: ít
  • Mức độ an toàn: thấp vì băng từ dễ bị làm giả

2.3.2. Thẻ chip

  • Loại: có 3 loại là thẻ chip tiếp xúc, thẻ chip phi tiếp xúc, thẻ chip giao diện kép
  • Cấu trúc bên ngoài: có tích hợp con chip mặt trước thẻ và băng từ mặt sau thẻ
  • Lưu thông tin: trên cả băng từ và chip
  • Lượng lưu trữ: cao vì lưu trữ trên chip có thể ghi đè được
  • Lượng thông tin được lưu: nhiều
  • Mức độ an toàn: cao vì được lưu trữ trên cả chip và băng từ với độ mã hóa cao.

2.4. Phân loại thẻ ngân hàng theo tổ chức phát hành

Các loại thẻ ngân hàng sẽ được chia ra thành thẻ do ngân hàng phát hành hay do tổ chức phi ngân hàng phát hành.

Thẻ do ngân hàng phát hành (Bank card): là những loại thẻ được trực tiếp phát hành từ các ngân hàng của Việt Nam.

Thẻ do các tổ chức phi ngân hàng phát hành: là các loại thẻ được phát hành từ các tổ chức như Visa, Mastercard, EuroPay, UnionPay, American Express, JCB, …

Tuy nhiên, có thể bạn thường hay nghe có những thẻ vừa có tên một ngân hàng lại vừa có tên một tổ chức không phải ngân hàng như thẻ Vietcombank Visa, thẻ này có nghĩa là thẻ của Vietcombank phát hành liên kết với hãng thẻ Visa (nguồn gốc tổ chức phát hành đầu tiên là công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Visa Inc., Vietcombank thực hiện liên kết với công ty này để có thể phát hành thẻ tại Việt Nam với đầy đủ các tính năng đặc tính của hãng thẻ này)

2.5. Phân biệt thẻ ngân hàng theo hạn mức của thẻ

Thẻ ngân hàng được chia ra làm thẻ chuẩn (Classic), thẻ vàng (Gold) và thẻ bạch kim (Platinum)

  • Thẻ ngân hàng chuẩn (Classic): hạn mức tín dụng từ 10 – 50 triệu
  • Thẻ ngân hàng vàng (Gold): hạn mức tín dụng trên 50 triệu
  • Thẻ ngân hàng bạch kim (Platinum): hạn mức có thể lên đến hàng trăm triệu, tùy theo thu nhập của bạn.

Như các bạn có thể thấy có rất nhiều cách để phân loại các loại thẻ ngân hàng, tuy nhiên, hiện tại, việc phân loại thẻ phổ biến và cũng hay được mọi người biết đến nhất là phân loại theo nguồn tiền tiêu dùng của thẻ bao gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước. 

Bởi lẽ các hình thức phân loại theo tiêu chí còn lại chủ yếu sẽ đến từ dịch vụ, mức độ đánh giá, mức độ an toàn và khả năng cung cấp của các ngân hàng/ tổ chức phát hành thẻ. Còn phân loại theo tiêu chí nguồn tiền tiêu dùng thông thường là cái khách hàng chú ý nhất, do việc giao dịch thanh toán thì chắc chắn tiền sẽ là thứ quan trọng tất yếu, bạn sẽ quan tâm tiền này lấy từ đâu, từ vốn tự có của bạn hay đi vay để từ đó chọn ra loại thẻ phù hợp.

Bên cạnh đó, một số loại thẻ mang tính thông dụng và bảo mật hơn trong quá trình sử dụng cũng được ưu tiên sử dụng ngày càng nhiều như thẻ quốc tế, thẻ chip (thẻ EMV)…

Share this post