Bảo hiểm thất nghiệp là gì? Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp là gì? Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, Bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp) được xem như chiếc phao cứu sinh dành cho người lao động, giúp họ giải quyết được phần lớn khó khăn, duy trì cuộc sống trong khoảng thời gian không có việc làm. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp càng phát huy tầm quan trọng của nó.

Vậy bảo hiểm thất nghiệp là gì? Những ai đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp? Bảo hiểm thất nghiệp được tính như thế nào?  Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây, mời quý bạn đọc cùng theo dõi.

Đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 – đầu 2020 không chỉ đe dọa sức khỏe con người mà còn gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho ngành kinh tế. Trong đó, thất nghiệp là một trong những bài toán đặt ra cho nhiều nền kinh tế trên thế giới cũng như Việt Nam. Song song với các biện pháp chống dịch, các chính phủ trên thế giới trong đó có Việt Nam cũng phải có các phương án nhằm giải quyết bài toán thất nghiệp và đảm bảo cuộc sống cho công dân của mình. Một trong những biện pháp hữu dụng nhất lúc này chính là chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người dân.

1. Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Bảo hiểm thất nghiệp (tiếng Anh: Unemployment insurance) hay còn gọi là trợ cấp thất nghiệp, là các khoản thanh toán được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền cho những người thất nghiệp. Tùy thuộc vào luật pháp của mỗi quốc gia và tình trạng của từng người thất nghiệp, những khoản tiền đó có thể chỉ bao gồm các nhu cầu cơ bản trong thời gian bị thất nghiệp hoặc có thể được chi trả tương ứng với mức lương kiếm được trước đó.

bao-hiem-that-nghiep

Bảo hiểm thất nghiệp do nhà nước cung cấp chi trả khi bạn mất việc và đáp ứng các yêu cầu đủ điều kiện nhất định. Bạn sẽ chỉ nhận được trợ cấp thất nghiệp chi trả khi bạn đăng ký thất nghiệp và sẽ không được chi trả nếu bạn tự nghỉ việc, tự làm chủ hoặc nếu bạn bị sa thải vì một lý do nào đó.

2. Ý nghĩa quan trọng của bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó giải quyết những vấn đề thiết thực trong cuộc sống của người lao động, bao gồm:

  • BHTN vừa là công cụ giải quyết vấn đề thất nghiệp trong xã hội, vừa là chính sách giúp ổn định xã hội một cách tốt nhất.
  • BHTN giúp bảo vệ, bù đắp những tổn thất về mặt tài chính cho người lao động. Đồng thời giúp họ có cơ hội học hỏi ngành nghề, trau dồi kiến thức và tăng khả năng quay lại thị trường làm việc.
  • BHTN có chức năng khuyến khích người lao động chăm chỉ, sẵn sàng làm việc, hạn chế sự ỷ lại của họ.
  • BHTN vừa đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp, vừa đóng vai trò tối ưu đối với Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề xã hội.
  • BHTN giúp chủ doanh nghiệp tiết kiệm khoản chi phí trợ cấp thất nghiệp cho người lao động khi họ mất việc làm. Do đó, doanh nghiệp sẽ sử dụng nguồn lao động thoải mái hơn, tạo động lực phát triển sản xuất.
  • BHTN giúp Nhà nước gánh nặng ngân sách khi có thất nghiệp xảy ra.

3. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam

Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam được quy định trong Luật Việc làm 2013 như sau:

Điều 43, đối tượng bắt buộc tham gia BHTN

  • Người lao động là công dân nước Việt Nam, có sự giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.
  • Hợp đồng lao động phải có thời hạn đủ từ 12 tháng – 36 tháng, hoặc là hợp đồng lao động dài hạn, không xác định về thời gian kết thúc hợp đồng.
  • Trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHTN.

Những trường hợp không thuộc đối tượng những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

  • Trường hợp những người đang hưởng lương hưu hàng tháng, giúp việc gia đình hoặc đang nhận trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
  • Tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức không thuộc đối tượng có tham gia BHTN.
  • Trường hợp người sử dụng lao động đang sử dụng từ 10 người lao động trở lên tại các doanh nghiệp, cơ quan hoặc tổ chức như sau:
  • Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc Nhà nước hoặc lực lượng vũ trang nhân dân.
  • Các tổ chức chính trị hay tổ chức chính trị xã hội… đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức xã hội khác.
  • Các doanh nghiệp được thành lập đang hoạt động theo Luật Doanh Nghiệp và luật Đầu tư, cùng một số tổ chức khác.

Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp không?

Căn cứ vào điều 43, Luật Việc làm 2013, quy định về đối tượng bắt buộc tham gia BHTN nêu trên, người lao động là công dân nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam không thuộc đối tượng tham gia BHTN. Tuy nhiên, nếu người lao động nước ngoài hoặc doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài muốn tham gia BHTN để bảo vệ quyền lợi của người lao động thì đây là chế độ khuyến khích, không bắt buộc.

4. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Theo Điều 42 Luật Việc làm 2013 quy định 04 chế độ quyền lợi cho người tham gia BHTN bao gồm:

  • BHTN trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời gian mất việc.
  • BHTN hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm: Miễn phí.
  • BHTN tạo điều kiện và hỗ trợ học nghề: Tối đa 01 triệu đồng/người/tháng, trong thời gian không quá 06 tháng.
  • BHTN hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm và tăng khả năng cũng như cơ hội việc làm cho người lao động khi trở lại thị trường.

5. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động sẽ được hưởng BHTN khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Bị mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; trường hợp hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
  • Đã đóng BHTN từ đủ:
  • 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: Hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn
  • 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: Ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
  • Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
  • Chưa tìm được việc làm mới sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, ngoại trừ các trường hợp sau đây:
  • Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
  • Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
  • Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
  • Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
  • Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Chết.

6. Cách tính bảo hiểm thất nghiệp 2020

Công thức tính BHTN

Theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm năm 2013, người lao động có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng trợ cấp hàng tháng với cách tính như sau:

Mức trợ cấp thất nghiệp =  (Bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp) x 60%.

Lưu ý: Đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức trợ cấp hàng tháng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở. Đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức trợ cấp hàng tháng không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng.

Mức hưởng BHTN 2020

Đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định

  • Từ 01/01/2020, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 1,49 triệu đồng/tháng = 7,45 triệu đồng/tháng.
  • Từ 01/7/2020, mức lương cơ sở là 1,6 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 1,6 triệu đồng/tháng = 8 triệu đồng/tháng.

Đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định

  • Mức lương tối thiểu vùng của vùng I là 4,42 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 4,42 triệu đồng/tháng = 22,1 triệu đồng/tháng.
  • Mức lương tối thiểu vùng của vùng II là 3,92 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 3,92 triệu đồng/tháng = 19,6 triệu đồng/tháng.
  • Mức lương tối thiểu vùng của vùng III là 3,43 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 3,43 triệu đồng/tháng = 17,15 triệu đồng/tháng.
  • Mức lương tối thiểu vùng của vùng IV là 3,07 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 5 x 3,07 triệu đồng/tháng = 15,35 triệu đồng/tháng.

Thời gian hưởng BHTN

Cũng trong Luật việc làm 2013, tại khoản 2 Điều 50 nêu rõ:

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Cụ thể, cứ đóng đủ 12 – 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp. Sau đó, cứ mỗi 12 tháng đóng đủ tiếp theo sẽ được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp. Tuy nhiên, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng.

Thời điểm hưởng BHTN được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Bài viết trên đây là sự tổng hợp các thông tin về Bảo hiểm thất nghiệp Việt Nam 2020. Hy vọng có thể giúp bạn đọc hiểu được những quy định, điều kiện trong việc tham gia BHTN, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và biết cách tính BHTN như thế nào.

Share this post