EBITDA là gì? Ý nghĩa, công thức và vận dụng EBITDA vào thực tiễn
Trong giới đầu tư, khi đánh giá một một doanh nghiệp nào đó thì người ta thường lấy chỉ số EBITDA ra để làm thước đo. Vậy chỉ số EBITDA là gì, nó có ý nghĩa gì đối với một doanh nghiệp? Đặc biệt là giới đầu tư đã vận dụng rất nhiều chỉ số EBITDA khi bắt đầu đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó.
1. EBITDA là gì?
EBITDA là từ viết tắt của Earning Before Interest, Taxes, Depreciation and Amortization. Dịch ra tiếng Việt có nghĩa là lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao.
Hay hiểu đơn giản là EBITDA là lợi nhuận của doanh nghiệp trước khi trừ đi các Chi phí lãi vay, Chi phí thuế và Khấu hao tài sản. Do đó, EBITDA chưa phải là lợi nhuận sau cùng của doanh nghiệp. Vậy EBITDA phản ánh được điều gì trong báo cáo kết quả tài chính của công ty, doanh nghiệp. Cùng tìm hiểu qua ý nghĩa của EBITDA bên dưới:
2. Ý nghĩa của EBITDA là gì?
Như các bạn đã biết, thu nhập ròng của một doanh nghiệp được tính theo công thức:
Thu nhập ròng = Doanh thu – Giá vốn hàng bán – Chi phí hoạt động (bán hàng, quản lý…) – Lãi vay – Thuế
Với mỗi một doanh nghiệp khác nhau thì Lãi vay và Thuế là khác nhau, do đó nếu chúng ta mang thu nhập ròng ra để so sánh thì điều đó chưa phản ánh được đúng thực tế năng lực thật sự của doanh nghiệp đó.
Thử lấy một ví dụ:
- Doanh nghiệp A có doanh thu là 15 tỷ, giá vốn là 3 tỷ, chi phí hoạt động là 3 tỷ, lãi vay ngân hàng là 5 tỷ, thuế suất 1,5 tỷ => Thu nhập ròng là 2,5 tỷ.
- Doanh nghiệp B có doanh thu là 12 tỷ, giá vốn là 3 tỷ, chi phí hoạt động là 3 tỷ, lãi vay ngân hàng là 1 tỷ, thuế suất là 1 tỷ => Thu nhập ròng là 4 tỷ.
Nếu chúng ta cứ lấy số liệu cuối cùng để đánh giá thì rõ ràng Doanh nghiệp B có lợi nhuận tốt hơn, nhưng nếu xét về năng lực bán hàng thì rõ ràng với cùng một giá vốn và chi phí hoạt động thì Doanh nghiệp A rõ ràng đang có hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
Ngoài việc EBITDA có ý nghĩa trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này so với doanh nghiệp khác sau khi trừ đi các chi phí lãi vay, thuế và khấu hao thì EBITDA còn có thêm các ý nghĩa sau đây:
- Chỉ số EBITDA sẽ giúp doanh nghiệp thuyết phục được các nhà đầu tư khi giúp họ đánh giá doanh nghiệp sau khi trừ đi các yếu tố về kế toán làm ảnh hưởng đến kết quả của doanh nghiệp. Hay nói cách khác là giúp họ tách biệt được các chỉ số nợ của doanh nghiệp, tạo nên bức tranh tài chính hoàn hảo cho doanh nghiệp.
- Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất hoặc những ngành nghề mà con số khấu hao tài sản quá lớn. EBITDA sẽ giúp làm đẹp báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
- Cũng giống như câu chuyện về lãi vay ở trên, mỗi doanh nghiệp và ngành nghề sẽ bị áp một mức thuế khác nhau, ưu đãi thuế khác nhau. Do đó, nếu như lấy thu nhập ròng ra để đánh giá thì chưa phản ánh đúng tình hình, chỉ số EBITDA sẽ rất hữu dụng nếu như bạn đang phân tích giữa các doanh nghiệp có khác biệt lớn về thuế.
3. Công thức tính EBITDA là gì?
EBITDA được tính theo các công thức sau:
- EBITDA = Lợi nhuận trước thuế + Lãi vay + Khấu hao
- EBITDA = Lợi nhuận sau thuế + Thuế + Lãi vay + Khấu hao
- EBITDA = EBIT + Khấu hao
Trong đó: EBIT là Lợi nhuận trước thuế và lãi vay.
Các chỉ số trong công thức bên trên các bạn có thể lấy ra từ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Còn Khấu hao thì có thể lấy từ Bảng cân đối kế toán.
4. Sự khác nhau giữa EBITDA và EBIT
Nhìn vào công thức bên trên, các bạn có thể thấy sự được sự khác nhau cơ bản giữa EBITDA và EBIT đó là Chỉ số Khấu hao.
Nếu như EBITDA là lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao thì EBIT là lợi nhuận trước thuế và lãi vay. Do đó, số liệu của EBITDA lúc nào cũng cao hơn EBIT, phần chênh lệch đúng bằng giá trị của Khấu hao.
5. Nhược điểm khi sử dụng EBITDA
5.1. Bỏ qua chi phí khấu hao tài sản
Nếu nhìn vào công thức tính EBITDA thì bạn dễ dàng nhìn thấy EBITDA đã không trừ đi phần khấu hao. Chính điều này làm cho số liệu EBITDA lớn hơn so với trừ Chi phí khấu hao. Đối với những doanh nghiệp sản xuất thì con số khấu hao rất lớn do có quá nhiều trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng.
Điều này làm cho doanh nghiệp bị ngáo giá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
5.2. Bỏ qua vốn lưu động
Không thể phủ nhận rằng Chi phí lãi vay, thuế là những chi phí rất lớn nếu như doanh nghiệp đi vay ngân hàng nhiều, chưa kể những ngành hoạt động bị đánh thuế cao nữa. Nếu như các số liệu tài chính này bị loại ra khỏi kết quả của EBITDA thì điều này rất nguy hiểm.
Số liệu EBITDA thì lớn mà lượng tiền vốn lưu động thì không bao nhiêu do doanh nghiệp thực tế đã bị tính thuế và tiền lãi. Điều này gây cản trở lớn trong việc chuẩn bị nguồn vốn cho hoạt động duy trì và mở rộng của doanh nghiệp.
5.3. Không có độ tin cậy cao
Nhà đầu tư Warren Buffett từng nói:
“Tôi khá ngạc nhiên về mức độ phổ biến của việc sử dụng EBITDA. Mọi người cố gắng làm đẹp báo cáo tài chính với chỉ số này.
Chúng tôi sẽ không mua những doanh nghiệp mà ở đó họ nói nhiều về EBITDA. Nếu bạn lập ra một danh sách các doanh nghiệp và chia ra hai nhóm, một nhóm sử dụng EBITDA như một thước đo hoạt động và nhóm kia thì không, tôi nghĩ bạn sẽ tìm thấy nhiều dấu hiệu gian lận ở nhóm đầu tiên. Hãy nhìn Wal-mart, GE và Microsoft xem, họ không bao giờ dùng EBITDA trong những báo cáo thường niên.”
Nhiêu đó cũng nói lên được rằng các nhà đầu tư đừng nên quá thần thánh hoá chỉ số EBITDA.
6. Cách vận dụng EBITDA trong đầu tư tài chính
6.1. Cơ sở đánh giá giữa các doanh nghiệp cùng ngành
Nếu như bạn có đọc phần đầu của bài viết EBITDA là gì? Mình có nêu một ví dụ về doanh nghiệp A và doanh nghiệp B. Một doanh nghiệp mặc dù kết quả cuối cùng nếu lợi nhuận ròng cao chưa đủ để phản ánh hết về mô hình kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Hãy quan sát thêm về chỉ số EBITDA, con số này sẽ giúp bạn có thêm một cái nhìn 2 chiều của doanh nghiệp, từ đó nhìn ra được năng lực tiềm ẩn của doanh nghiệp.
Ngoài ra, bạn cần phải quan tâm về EBITDA Margin?
EBITDA Margin = EBITDA / Doanh thu thuần
Rõ ràng, chỉ số này càng cao, ổn định trong một thời gian dài thì chứng tỏ doanh nghiệp đang làm ăn tốt. Tính thanh khoản về dòng tiền tốt hơn doanh nghiệp có chỉ số này thấp. Đương nhiên là EBITDA Margin không bao giờ lớn hơn 1 được. Chỉ số này tiếng Anh là EBITDA/Sales Ratio
6.2. Định giá cổ phiếu doanh nghiệp
Để đánh giá về giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp thì người ta thường dùng đến chỉ số EV/EBITDA hoặc EV/EBIT. Hai chỉ số này giúp những nhà đầu tư quy về một mẫu chung để đánh giá doanh nghiệp nào tiềm năng hơn khi loại bỏ đi cơ cấu vốn và nợ vay của doanh nghiệp.
Đặc biệt rất hữu hiệu đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp muốn so sánh 2 doanh nghiệp đang hoạt động ở hai lĩnh vực khác nhau.
7. Lời kết
Mặc dù EBITDA không được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới nhưng chúng vẫn rất hữu dụng trong một vài trường hợp nhất định trong kinh doanh. Nhưng chung quy thì các công thức, số liệu chỉ mang tính chất tham khảo, để hoạt động đầu tư mang lại được lợi nhuận cao thì đòi hỏi bạn phải hội đủ nhiều yếu tố khác nữa.
Hy vọng là sau bài viết này các bạn sẽ hình dung được EBITDA là gì và cách vận dụng EBITDA trong hoạt động đầu tư tài chính của mình.