Ngân Hàng Thương Mại Là Gì? Ngân Hàng Thương Mại Có Mấy Loại?

Ngân Hàng Thương Mại Là Gì? Ngân Hàng Thương Mại Có Mấy Loại?

Ngân hàng thương mại là thuật ngữ khá quen thuộc và phổ biến trong các hoạt động giao dịch liên quan đến tiền. Vậy bạn đã biết ngân hàng thương mại là gì? Ngân hàng thương mại có mấy loại chưa?

Cùng HoTroVay.Vn tìm hiểu chi tiết về ngân hàng thương mại trong bài viết dưới đây nhé!

1. Ngân Hàng Thương Mại Là Gì?

Ngân hàng thương mại là một tổ chức kinh doanh tiền tệ, trong đó hoạt động chủ yếu là nhận tiền gửi từ khách hàng, chịu trách nhiệm hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Sau đó sử dụng số tiền đó để cho vay, thực hiện nghiệp vụ chiết khấu và làm phương tiện thanh toán.

ngan-hang-thuong-mai-la-gi

Một số hoạt động nổi bật của ngân hàng thương mại như:

  • Cho khách hàng vay vốn.
  • Gửi tiền tiết kiệm.
  • Dịch vụ thẻ, tài khoản ngân hàng.
  • Các dịch vụ tài chính khác.

2. Đặc Điểm Của Ngân Hàng Thương Mại

Ngân hàng thương mại chính là một đơn vị trung gian tài chính, được phép thực hiện tất cả các hoạt động của ngân hàng. Dưới đây là những đặc điểm thường thấy của ngân hàng thương mại:

  • Mỗi ngân hàng thương mại là một định chế tài chính trung gian.
  • Các hoạt động tương đối đa dạng, bao gồm nhiều nghiệp vụ và dịch vụ khác nhau.
  • Ngân hàng thu hút nguồn vốn thông qua việc huy động tiền gửi thông qua sổ tiết kiệm, phát hành trái phiếu. Sau đó sử dụng nguồn vốn này để cho vay. Các dịch vụ phổ biến của ngân hàng như: chuyển tiền, thanh toán, ủy quyền, bảo lãnh,…
  • Bằng việc cho vay và huy động tiền gửi, các ngân hàng thương mại tạo ra dòng tiền với khối lượng lớn. Đây là bộ phận chủ chốt trong các hoạt động cung ứng tiền của nền kinh tế, có tầm ảnh hưởng lớn tới chính sách tài khóa của ngân hàng nhà nước.
  • Hiện nay, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại là khối tài sản lớn nhất xét trên toàn bộ hệ thống ngân hàng ở nước ta.

3. Vai Trò Và Chức Năng Của Ngân Hàng Thương Mại

Thực chất, vai trò và chức năng của ngân hàng thương mại được quy định cụ thể qua 3 điểm sau đây:

3.1. Chức Năng Thủ Quỹ

Ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm nhận tiền gửi từ khách hàng, giữ và bảo quản tiền, rút tiền, chi tiền,… Với chức năng này, các ngân hàng thương mại giúp đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng một cách tuyệt đối.

Bên cạnh đó, ngân hàng có nguồn vốn để đảm bảo duy trì chức năng trung gian thanh toán. Đồng thời, điều này cũng khuyến khích việc tích lũy, sử dụng nguồn vốn dư thừa để tập trung phát triển kinh tế.

3.2. Trung Gian Tín Dụng

Mỗi ngân hàng thương mại là một cầu nối giữa người thừa vốn và người thiếu vốn. Trong mối quan hệ này, tất cả các bên đều có lợi, cụ thể:

  • Khách hàng gửi tiền thu lợi từ nguồn vốn nhàn rỗi của mình thông qua tiền lãi, an toàn khoản tiền gửi.
  • Người đi vay được thỏa mãn nhu cầu vay vốn, để bù đắp khoản tài chính bị thiếu hụt trong một khoảng thời gian nhất định.
  • Ngân hàng được hưởng phần chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi để tồn tại và phát triển. Đây còn là cơ sở để ngân hàng tạo bút tệ, góp phần gia tăng quy mô tín dụng cho tổng thể nền kinh tế.
  • Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhờ vào việc điều tiết tiền tệ hợp lý từ nơi dư thừa chuyển sang nơi bị thiếu hụt.

3.3. Trung Gian Thanh Toán

Ở chức năng này, ngân hàng thương mại sẽ thay mặt khách hàng thực hiện việc trích tiền trên tài khoản để thanh toán cho người thụ hưởng, hoặc nhận tiền vào tài khoản.

Chức năng này giúp giảm tải việc tiêu thụ và lưu thông tiền mặt trên thị trường, đồng thời các bên vẫn thực hiện được mục đích của mình.

chuc-nang-trung-gian-thanh-toan-cua-ngan-hang-thuong-mai-giup-giam-tai-luu-thong-tien-mat

4. Nghiệp Vụ Của Ngân Hàng Thương Mại Là Gì?

Cách vận hành của ngân hàng thương mại sẽ được thể hiện thông qua các nghiệp vụ cụ thể. Các nghiệp vụ cơ bản bao gồm:

4.1. Nghiệp Vụ Tài Sản Có

Nghiệp vụ tài sản có của ngân hàng thương mại gồm các nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến việc sử dụng nguồn vốn huy động được từ nghiệp vụ tài sản nợ, bao gồm:

  • Nghiệp vụ ngân quỹ: ngân hàng giữ tiền mặt dưới dạng tiền mặt tại quỹ của ngân hàng, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại khác và tiền gửi tại ngân hàng Trung ương.
  • Nghiệp vụ cho vay: giúp sinh lợi cho ngân hàng như cho vay ứng trước, cho vay thấu chi, cho vay chiết khấu, cho vay thuê mua, tín dụng ủy thác thu mua bao thanh toán, cho vay bằng chữ ký, cho vay tiêu dùng, vay tín chấp ngân hàng,…
  • Nghiệp vụ đầu tư: là hình thức thu mua chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng khác,…
  • Những tài sản có khác như: trụ sở làm việc, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động trong ngân hàng.

4.2. Nghiệp Vụ Tài Sản Nợ

Nghiệp vụ tài sản nợ được thể hiện thông qua cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng thương mại. Trong đó, nguồn vốn của ngân hàng được hình thành từ hai nguồn là:

4.2.1. Nguồn vốn tự có hoặc coi như tự có

Nguồn vốn tự có hay còn gọi là vốn điều lệ, quỹ dự trữ, thuộc quyền sở hữu của ngân hàng, xuất hiện ngay từ khi thành lập và được ghi nhận trên các giấy tờ, hồ sơ của ngân hàng thương mại. Ngân hàng có thể điều chỉnh vốn điều lệ trong thời gian hoạt động.

Nguồn vốn coi như tự có: bao gồm khoản vốn tạm thời nhàn rỗi của ngân hàng. Nguồn vốn này đã có mục đích chi tiêu nhất định nhưng chưa sử dụng tới.

4.2.2. Vốn tiền gửi

Đây là nguồn vốn quan trọng được hình thành nhờ vào sự thu hút từ bên ngoài, bao gồm: tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm.

nghiep-vu-tai-san-no-duoc-xay-dung-tu-von-tien-gui

4.2.3. Vốn đi vay

Trong quá trình hoạt động, ngân hàng thương mại có thể vay vốn từ ngân hàng Trung ương, vay ngắn hạn các tổ chức tín dụng khác, vay các công ty, vay tiền từ thị trường tài chính trong nước và nước ngoài.

4.2.4. Các nguồn vốn khác

Có thể kể đến vốn tài trợ, vốn đầu tư phát triển, vốn ủy thác để đầu tư,…

4.3. Nghiệp Vụ Khác

Nghiệp vụ khác ngoài 2 nghiệp vụ chính kể trên chính là nghiệp vụ trung gian, bao gồm:

  • Chuyển tiền, thanh toán hộ.
  • Nghiệp vụ thu hộ.
  • Nghiệp vụ nhận sự ủy thác của khách hàng.
  • Nghiệp vụ qua lại đồng nghiệp.

5. Phân Biệt Các Loại Hình Ngân Hàng Thương Mại Tại Việt Nam

Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện được phân loại dựa vào các yếu tố sau:

5.1. Dựa Vào Hình Thức Sở Hữu

Dựa vào hình thức sở hữu thì ngân hàng thương mại được chia ra làm 5 loại:

  • NHTM quốc doanh: là ngân hàng được thành lập bằng 100% nguồn vốn của nhà nước.
  • NHTM cổ phần: được thành lập nhờ việc góp vốn kinh doanh của cổ đông hoặc doanh nghiệp.
  • Ngân hàng liên doanh: được thành lập dựa vào việc góp vốn liên doanh giữa ngân hàng Việt Nam và ngân hàng của nước ngoài.
  • Ngân hàng 100% vốn nước ngoài: được thành lập do vốn của nước ngoài dựa trên những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
  • Ngân hàng chi nhánh nước ngoài: được thành lập do vốn của nước ngoài, tuân thủ luật pháp nước ngoài và hoạt động tại Việt Nam.

5.2. Dựa Vào Chiến Lược Kinh Doanh

Xét theo phương diện chiến lược kinh doanh, ngân hàng thương mại được chia ra làm 3 loại chính:

  • NHTM bán buôn: nhắm tới khách hàng là doanh nghiệp, công ty tài chính hay tập đoàn kinh tế,…
  • NHTM bán lẻ: hướng đến các khách hàng lá cá nhân, công ty vừa và nhỏ.
  • NHTM vừa bán buôn vừa bán lẻ: là tổng hợp hoạt động của cả 2 loại trên.

Share this post